1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Grab tăng mức chiết khấu, nội bộ tài xế mâu thuẫn sâu sắc

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, rất nhiều lái xe Grab đã tụ tập lại để đình công phản đối chính sách tăng mức chiết khấu của tài xế GrabBike từ 15% lên 20%. Thậm chí, nhiều tài xế đã cùng nhau tắt ứng dụng, hoặc đặt chuyến ảo để tạo áp lực lên chính sách mới. Thế nhưng cũng có khá nhiều tài xế vẫn muốn đi làm và tạo ra mâu thuẫn nội bộ sâu sắc.

Tắt ứng dụng chưa đủ, nhiều tài xế đặt chuyến ảo để biểu tình

Bắt đầu từ tối chủ nhật (13/8), trong nhóm GrabBike trên Facebook, các tài xế đã thi nhau kêu gọi mọi người tắt ứng dụng và đặt chuyến ảo để đình công và cho đến thời điểm này cuộc đình công vẫn đang ở cao trào.

Cụ thể, việc đặt chuyến ảo có nghĩa là các tài xế GrabBike mở ứng dụng đặt xe của khách hàng để nhận cuốc xe. Sau đó, các tài xế biểu tình sẽ đặt các quãng đường ảo để các tài xế vẫn đi làm khác nhận. Tuy nhiên, các tài xế biểu tình sẽ không hủy chuyến để các tài xế vẫn đi làm kia không nhận được cuốc nữa.

Việc này ảnh hưởng rất lớn tới các tài xế không đình công bởi theo anh N.T.Đ – một tài xế GrabBike: “Khi đặt cuốc xe ảo, không hủy mà cũng không đi, thì tài xế chạy xe sẽ phải hủy chuyến. Tỷ lệ hủy chuyến cao sẽ ảnh hưởng tới chương trình hỗ trợ từ Grab, tệ hơn là sẽ bị khóa tài khoản.”

Tài xế Grab đình công
Tài xế Grab đình công

“Nhiều người làm như vậy với mục đích để anh em tài xế cùng nghỉ hôm nay. Nhưng hệ quả là sẽ nhân giá chuyến xe lên rất cao, khó tìm tài xế. Khách hàng thật sẽ phản ảnh lên grab (cái này bộ phận book ảo rất thích vì được grab chú ý), nhưng sẽ dẫn đến hệ quả là mất khách, khách sẽ chuyển sang đi uber hoặc các dịch vụ khác.”, anh Đ cho biết thêm.

Cũng theo anh Đ: “Hiện nay, nhiều tài xế đình công dễn đến tình trạng nhân giá, ai chạy sẽ có lãi lớn. Mà trong đó, nhiều người thực sự cần công việc này, họ bất chấp sức khỏe và sự an toàn chạy xuyên đêm vì miếng cơm manh áo, đôi khi là phải mua thuốc thang, sách vở cho con cái. Nên là việc thiếu tài xế là không lo.”

Tình trạng hiện nay
Tình trạng hiện nay

“Cá nhân mình kịch liệt phản đối việc đặt chuyến ảo, nhưng không có nghĩa là đồng ý với việc tăng mức thu hoa hồng. Nhưng nếu tăng thì mình nghĩ Grab nên hỗ trợ ae tài xế vào các giờ cao điểm (đường tắc, tài xế chạy cuốc ngắn chỉ có lỗ, không có lãi), hỗ trợ cuốc xe đi ngoại thành, đi xa”, anh Đ nói.

Nhiều lý do tích tụ sự phẫn nộ

Cũng có khá nhiều lý do dẫn tới sự bùng phát trong cộng đồng tài xế GrabBike lần này, việc tăng hoa hồng tuy chính là mồi lửa làm bùng cháy đống than đã âm ỉ trong lòng nhiều tài xế.

Anh P.D.K. - một tài xế GrabBike chia sẻ: “Chính sách giảm thưởng và tăng giá ảnh hưởng khá nhiều đến thu nhập cũng như giờ giấc của mình. Từ 7/8 Grab đã cắt thưởng hỗ trợ giờ cao điểm, nên nếu chạy giờ cao điểm thì tài xế lỗ chứ không lãi nên mình bỏ luôn không chạy giờ cao điểm.”

“Một bài toán kinh tế được tính ra khi chạy Grab đó là, khi chạy 1 cuốc xe, tiền hoa hồng cho Grab là 15% (bằng 1/7 số tiền nhận được), cộng với tiền xăng bằng (bằng 1/8 số tiền nhận được). Tính ra là khoảng ~25% (1/4 doanh thu), nếu tăng lên 20% hoa hồng thì tài xế sẽ mất 1/3 doanh thu, mà chưa tính đến tiền điện thoại, chi phí sữa chữa bảo dưỡng xe, ăn uống, nộp phạt,...”, anh K. tính.

Không chỉ tài xế, anh K. cho rằng: “Ngay cả khách hàng giờ đây cũng đã bị cắt rất nhiều khuyến mại. Cụ thể, với khách thanh toán bằng tiền mặt sẽ bị cắt hẳn, còn trả bằng thẻ tín dụng thì vẫn còn nhưng cũng đang bị cắt dần”.

Chưa dừng lại ở đó, anh K. bức xúc kể: “Một trong những nguyên nhân khiến anh em tài xế phẫn nộ nữa đó là, Grab gọi chúng tôi là đối tác nhưng coi tài xế như nhân viên cấp dưới. Họ dọa sẽ khóa tài khoản nếu không đi offline, điểm danh đóng dấu vào tay như kiểm dịch lợn và cũng chẳng tiếp nhận ý kiến từ tài xế.”

Tăng mức chiết khấu, nội bộ tài xế Grab xảy ra mâu thuẫn sâu sắc

Tuy nhiên, cũng có những tài xế “ba phải” tham gia cho có phong trào, anh Nguyễn Văn G. Cho hay: “Mình thì thấy cũng bình thường, hưởng ứng theo số đông thôi chứ mình vì công việc là kiếm thêm thu nhập thôi, không phải công việc chính. Nếu Grab không đáp ứng được thì tôi sẽ chuyển Uber hoặc loại hình vận tải khách khác mới phát triển. Theo tôi cái nào cạnh tranh được thì sẽ tồn tại được lâu thôi”.

Thế Hưng