1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giới siêu giàu đang nắm quá nhiều tiền mặt và không biết phải làm gì

(Dân trí) - 1% những người giàu nhất thế giới đang nắm giữ số tiền kỷ lục: 303,9 tỷ USD. Phần lớn họ đều thống nhất lựa chọn không tái đầu tư nhiều vào hoạt động kinh doanh của họ; thay vào đó, họ đang tích trữ tiền mặt và mua lại cổ phiếu.

Giới siêu giàu đang nắm quá nhiều tiền mặt và không biết phải làm gì - 1
Có một xu hướng kỳ lạ thực sự đang tác động lớn đến nền kinh tế - những người giàu có có rất nhiều tiền mà theo nghĩa đen, họ không biết phải làm gì với nó.

Xu hướng này diễn ra trong điều kiện sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng, thúc đẩy sự bất mãn của cử tri và sự gia tăng của một loạt các phong trào xã hội, trong khi 1% những người có thu nhập cao nhất và các công ty lớn đang nắm giữ mức tiền mặt không sử dụng ở mức kỷ lục.

Nhìn về bức tranh lớn: Các công ty Mỹ đã thu về kỷ lục 2,3 nghìn tỷ USD lợi nhuận doanh nghiệp năm ngoái, trong khi tổng tài sản của đất nước tăng thêm 6 nghìn tỷ USD lên tới 98,2 nghìn tỷ USD (40% trong số đó thuộc về những người có tài sản trên 100.000 USD).

Nếu vậy, tất cả tiền đi đâu? Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF đã đề cập rằng các công ty lớn trên toàn thế giới đang hoàn toàn áp đảo so với phần còn lại và thống nhất lựa chọn không tái đầu tư phần lớn vào hoạt động kinh doanh của họ. Họ đang tích trữ tiền mặt và mua lại cổ phiếu.

“Chỉ có 2 điều mà tiền có thể làm được, ngồi trên bảng cân đối kế toán không được sử dụng, và chẳng đem lại chút lợi lộc gì”, nhà kinh tế trưởng của ICI Sean Collins chỉ ra. “Hoặc có ý nghĩa bằng cách phát hành cổ phiếu hoặc mua lại cổ phiếu”

Các công ty có thể trả lương cho công nhân của họ nhiều hơn, nhưng “điều đó sẽ rất tệ cho thị trường tài chính”, Neil Shear, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics nói

Các công ty lớn đã lập kỷ lục mua lại 1,1 nghìn tỷ USD cổ phiếu vào năm 2018 và đang trên đà vượt qua con số đó trong năm nay. Nhưng họ vẫn đang giữ lượng tiền mặt kỷ lục lên tới gần 3 nghìn tỷ USD.

Các hộ gia đình và cá nhân giàu có đang đổ tiền vào các nhà quản lý tài sản, đặt cược vào các công ty mất khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, mua trái phiếu từ các nước cộng hòa Trung Đông ít được biết đến và cho các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon nhiều tiền hơn mức cần thiết.

Và vốn chủ sở hữu tư nhân đã chứng kiến ​​nhiều dòng tiền đến mức các công ty có 2 nghìn tỷ USD vốn chưa sử dụng.

Nhưng cộng tất cả những điều đó cũng chưa đủ để trả lời câu hỏi “tất cả số tiền mới thu được đang đi đâu?”. 1% hộ gia đình hàng đầu ở Mỹ đang nắm giữ số tiền mặt kỷ lục trị giá 303,9 tỷ USD, đây là một bước nhảy vọt so với mức dưới 15 tỷ USD mà họ nắm giữ ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Tại sao những người giàu lại càng giàu lên như vậy?

Chương trình nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã đẩy chi phí vay tiền thành gần như không có gì trong gần một thập kỷ, cho phép các công ty vung tiền nợ để sáp nhập, mua lại và để tăng doanh thu.

Đồng thời, toàn cầu hóa cho phép họ giảm chi phí cho lao động, có nghĩa là lợi nhuận được trả lại nhiều hơn và các công ty đại chúng sẽ sử dụng chúng để tăng giá cổ phiếu.

Hơn nữa, các chính sách lập pháp hiện tại luôn ưu tiên các chủ doanh nghiệp hơn công nhân, làm xói mòn các công đoàn và ít cho phép nhân viên giỏi yêu cầu các mức lương cao hơn.

Ngoài ra, Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm, tức là cắt giảm thuế của Trump - làm trầm trọng thêm các vấn đề này, cắt giảm phần thuế của Mỹ mà các công ty đã trả ở mức thấp nhất trong ít nhất nửa thế kỷ và cung cấp cho các công ty nhiều vốn hơn để mua lại cổ phiếu và kinh doanh.

Kết quả cuối cùng là tiền mà trước đây đã được phân chia giữa các doanh nghiệp, công nhân và chính phủ, tiền dành cho các dự án xã hội như trường học, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng ngày càng giảm. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Vũ Huy Hoàng

Theo Business Insider