1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giờ G đến gần: Mới một nửa ngân hàng tại Việt Nam chạm được Basel II

(Dân trí) - Chỉ còn 20 ngày nữa thời hạn áp dụng Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực, tính đến thời điểm này đã có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài được áp dụng trụ cột 1 của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Tình hình triển khai Basel II của các ngân hàng thương mại

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51 về thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, trong đó có nhấn mạnh đến 2020, các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II.

Từ cách đây 5 năm, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó có việc lựa chọn 10 ngân hàng thương mại thí điểm áp dụng Basel II. Và theo quy định tại Thông tư 41, áp dụng Basel II là yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng thương mại và kể từ 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Cuối tháng 11/2018, VIB và Vietcombank là hai ngân hàng đầu tiên được Thống đốc trao quyết định được áp dụng Basel II trước thời hạn. Từ đó tới nay, ngành ngân hàng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phẩn tư nhân và một số ngân hàng nước ngoài trong việc chạy nước rút để tuân thủ với Basel II.

Chỉ còn 20 ngày nữa thời hạn áp dụng của Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực, tính đến thời điểm này đã có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài được áp dụng trụ cột 1 của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Giờ G đến gần: Mới một nửa ngân hàng tại Việt Nam chạm được Basel II - 1

 Danh sách 17 ngân hàng đã áp dụng trụ cột 1 của Basel II đến ngày 9/12/2019 (chưa bao gồm BIDV).

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hiện nay có một số ngân hàng đã bắt tay vào đầu tư triển khai trụ cột 2, trụ cột 3 của Basel II và có thể sẽ có ngân hàng sớm công bố về việc là tổ chức đầu tiên trong hệ thống ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II trước 31/12/2019. 

Và thông tin mới nhất được phát đi từ BIDV, ngân hàng này vừa được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành sớm Basel II. Điều này có được là nhờ "thương vụ" bán vốn cho ngân hàng Hàn Quốc - KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV. Giao dịch mang dấu ấn lịch sử trong quá trình hoạt động đã đưa BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, ngân hàng đã đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cùng với hàng loạt các chuẩn mực Basel.

Trước đó, VietBank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Thông tư 41, gây bất ngờ cho thị trường sau trường hợp Vietcapital Bank cũng tham gia sớm vào “câu lạc bộ” Basel II; bởi đây đều là những ngân hàng quy mô nhỏ so với nhiều ngân hàng trên thị trường hiện nay.

Đều đó cho thấy không có sự phân biệt quy mô lớn nhỏ khi muốn gia nhập “câu lạc bộ” Basel II. Đại diện LienVietPostBank cho biết, ngân hàng này đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin phép được áp dụng sớm Thông tư 41. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho ngân hàng này được áp dụng Thông tư 41 về tỷ lệ an toàn vốn (Basel II) trước thời hạn.

3 trụ cột của Basel II quan trọng thế nào với ngân hàng?

Basel II có ba trụ cột chính (Three Pillars). Trong đó, Pillar I: Yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); Pillar II: Rà soát giám sát; và Pillar III: Thực hiện các nguyên tắc thị trường. Áp dụng Basel II giúp tăng cường năng lực tài chính, tăng cường quản trị rủi ro của ngân hàng. Việc tuân thủ được các chuẩn mực theo Basel không dễ, đòi hỏi ngân hàng không chỉ về nhân lực, vật lực mà cả trình độ quản trị điều hành.

Tại Việt Nam, Chuẩn mực vốn Basel II được quy định theo Thông tư 41/2016-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Theo đó, trụ cột 1 quy định mức an toàn vốn tối thiểu theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp nâng cao cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.

Giờ G đến gần: Mới một nửa ngân hàng tại Việt Nam chạm được Basel II - 2

Chuẩn mực vốn Basel II được quy định theo Thông tư 41/2016-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN

Giờ G đến gần: Mới một nửa ngân hàng tại Việt Nam chạm được Basel II - 3

Trụ cột 1 của Basel II tập trung vào việc đo lường và đảm bảo mức độ an toàn vốn tối thiểu.

Giờ G đến gần: Mới một nửa ngân hàng tại Việt Nam chạm được Basel II - 4

Khung quản trị rủi ro ICAAP: Ví dụ của 1 NHTMCP đã hoàn thiện trụ cột 2

Trụ cột 2 là đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn, ở đó các ngân hàng phải chuẩn hóa quy trình, phương pháp, công cụ đo lường rủi ro, đồng thời phải kiểm tra sức chịu đựng về vốn, lập kế hoạch vốn theo các kịch bản thị trường và kinh doanh, giám sát về mức đủ vốn.

Các bước triển khai của trụ cột 2 bao gồm: Cơ cấu quản trị ICAAP, đánh giá rủi ro trọng yếu, kiểm tra sức chịu đựng, lập kế hoạch vốn, giám sát mức đủ vốn và rà soát quy trình. Áp dụng ICAAP vào hoạt động kinh doanh bao gồm việc phân bổ vốn theo chiến lược kinh doanh, RAROC & Định giá theo mức độ rủi ro.

Giờ G đến gần: Mới một nửa ngân hàng tại Việt Nam chạm được Basel II - 5
Minh bạch và kỷ luật thị trường

Trụ cột thứ ba là kỷ luật thị trường, theo đó các ngân hàng phải báo cáo và thuyết minh định kỳ về các chỉ tiêu định tính và định lượng về an toàn vốn.

Trụ cột này tập trung vào việc minh bạch và công bố thông tin. Các ngân hàng thương mại cần công bố thông tin một cách định kỳ và minh bạch, nội dung công bố thông tin cần đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, ngoài ra nên tham khảo đến các chuẩn mực tốt nhất trên thế giới.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, một trong những thách thức đối với tất cả các ngân hàng được nhắc đến nhiều nhất trong áp dụng Basel II là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước ở Thông tư 41, kể từ ngày 1/1/2020, các tổ chức tín dụng phải thường xuyên duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%. Tuy về mặt con số thấp hơn so với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định hiện tại là 9% (Thông tư 36) nhưng cách tính tại Thông tư 41 rất chặt chẽ. Nếu như rủi ro trong Thông tư 36 tập trung vào tín dụng, thì theo yêu cầu của Thông tư 41, ngoài rủi ro tín dụng, ngân hàng phải tính cả tài sản có rủi ro về thị trường, tài sản có về rủi ro hoạt động. Như vậy nguy cơ CAR giảm mạnh khi áp dụng quy định mới là rất lớn.

Do đó nhiều ngân hàng có hệ số CAR đang ngấp nghé mức 9 - 10% buộc phải tăng vốn. Nếu tử số không tăng, mẫu số tiếp tục phình ra sẽ đẩy hệ số CAR của các ngân hàng xuống rất thấp theo quy định Thông tư 41.

An Hạ