1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thương hiệu vang bóng:

Giày Thượng Đình “mất cân đối khả năng thanh toán nợ ngắn hạn”

(Dân trí) - Tổng nợ ngắn hạn tại ngày 31/12/2017 đã vượt quá tài sản ngắn hạn với giá trị hơn 5 tỷ đồng, đồng thời số lỗ luỹ kế tại thời điểm này là 13,2 tỷ đồng. Lãnh đạo Giày Thượng Đình thừa nhận có sự mất cân đối về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty này.

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ hôm nay (10/4/2018), cổ phiếu GTD của Công ty Cổ phần Giày Thượng Đình sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Theo đó, cổ phiếu GTD chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần.

Nguyên nhân khiến GTD bị rơi vào diện cảnh báo xuất phát từ việc kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017 của công ty này.

Mẫu giày vang bóng một thời (ảnh: VTV)
Mẫu giày vang bóng một thời (ảnh: VTV)

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2017, Công ty kiểm toán Vaco cho biết, cơ sở của việc từ chối ý kiến là vì GTD chưa xác định giá thành của thành phẩm nhập kho theo thực tế chi phí phát sinh, một phần chi phí khấu hao và chi phí nhân công chưa được tập hợp đủ trong giá thành.

Vì lẽ đó, kiểm toán viên không thể thu thập bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định số liệu cần điều chỉnh liên qua tới việc tính giá thành phẩm nhập kho theo thực tế chi phí phát sinh. Điều này dẫn tới việc không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề nêu trên đến các khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính của GTD.

Bên cạnh đó, GTD cũng chưa đánh giá dự phòng giảm giá hàng tồn khó với một số vật tư, thành phẩm chậm luân chuyển tại thời điểm 31/12/2017 với giá trị khoảng 2,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, trong năm 2017, Giày Thượng Đình báo lỗ tới 13,6 tỷ đồng, tăng đột biến so với năm trước dù doanh thu tăng gần gấp đôi so với năm 2016.

Tổng nợ ngắn hạn tại ngày 31/12/2017 đã vượt quá tài sản ngắn hạn với giá trị hơn 5 tỷ đồng. Đồng thời số lỗ luỹ kế tại thời điểm này là 13,2 tỷ đồng. “Điều này cho thấy sự mất cân đối về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty, theo đó ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của công ty trong tương lai” – lãnh đạo Giày Thượng Đình thừa nhận.

Mặc dù vậy, Ban Tổng giám đốc công ty này cho biết đã đánh giá được kế hoạch tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới và việc công ty này có thể gia hạn được thời gian thanh toán các khoản phải trả ngắn hạn. Do đó, lãnh đạo công ty này tin rằng, tình hình lưu chuyển tiền tệ của Giày Thượng Đình trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi và báo cáo tài chính được lập trên giả định hoạt động liên tục.

Giày Thượng Đình là một trong số ít doanh nghiệp có tuổi đời lên tới gần 50 năm. Sở hữu khu đất vàng có diện tích hơn 36.100 m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, đây được cho là một trong những lý do giúp cổ phần Giày Thượng Đình đạt được mức giá tới 44.000 đồng khi IPO năm 2015 (thậm chí có nhà đầu tư thời điểm đó đã đặt giá tới 55.000 đồng).

Giá này được giữ đến phiên giao dịch chào sàn UPCoM vào cuối năm 2016, tuy nhiên, đáng chú ý là thanh khoản tại cổ phiếu này hầu như không có, giao dịch “đóng băng” trong 64 phiên liên tục.

Sau đó, mức giá lùi xuống vùng 30.000 đồng và tại thời điểm này, GTD còn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, trong suốt 1 năm qua, khối lượng giao dịch phiên cao nhất tại mã này cũng chỉ ở mức 600 cổ phiếu, bình quân ngày là 8 cổ phiếu được chuyển nhượng – một con số rất ngán ngẩm. Kể cả chưa bị hạn chế giao dịch thì trong rất nhiều phiên vừa qua, cổ phiếu GTD cũng không hề có người mua.

Bích Diệp

Giày Thượng Đình “mất cân đối khả năng thanh toán nợ ngắn hạn” - 2