1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giấy phép con, phí cao “đè” doanh nghiệp

(Dân trí) - Vấn đề phí và lệ phí cũng như nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đang đè nặng lên doanh nghiệp, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

3.299 giấy phép con trái thẩm quyền
(Ảnh minh hoạ).

3.299 giấy phép con trái thẩm quyền

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Thông tin đưa ra tại Hội nghị “Thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 3.299 các loại điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, theo Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp mới, có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tương ứng với đó là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó, 3.299 điều kiện kinh doanh đang được quy định tại 170 thông tư và quyết định của các Bộ. 

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư 2014, chỉ có 3 cơ quan là Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Do đó, việc các Bộ ban hành hàng loạt các điều kiện kinh doanh trên là trái thẩm quyền.

“Khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 tới đây thì đương nhiên 3.299 điều kiện kinh doanh trên bị bãi bỏ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 16 bộ ngành, 5 bộ gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải là xếp đầu bảng về số lượng các điều kiện kinh doanh, giấy phép con. Trong đó, Bộ Tài chính “vô địch” với gần 500 điều kiện kinh doanh được quy định trong các Thông tư của mình.

Nặng gánh phí, tờ khai hải quan

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng, vấn đề phí và lệ phí đang đè nặng lên doanh nghiệp và người dân khiến Việt Nam dường như đang tự dựng lên một hàng rào cản trở các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID Việt Nam (USAID GIG), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh đang phải chịu mức phí quá lớn, nhiều khi bằng cả lợi nhuận của một lô hàng xuất đi.  

“Một loạt các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải chịu mức phí kiểm dịch hơn 40 triệu đồng/lô hàng. Như với các công ty xuất khẩu gỗ dăm ở miền Trung, cứ 500 tấn tính là 1 lô kiểm dịch nên một tàu 40.000 tấn dăm gỗ được chia ra 80 lô, đóng 43,2 triệu đồng tiền phí kiểm dịch”, ông Bình nêu ví dụ. 

Theo ông Bình, mức phí quá lớn sẽ ảnh hưởng tới năng lực canh tranh của doanh nghiệp. Chưa kể tới thời gian kiểm định thường phải chờ đợi lâu kéo theo hàng loạt các chi phí phát sinh như lưu bãi, lưu kho tại cảng, làm chậm thời gian thông quan.

Ngoài ra, vị chuyên gia trong lĩnh vực hải quan này cũng cho biết, doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, giấy tờ hải quan và nộp tiền. 

“Theo quy định mới, tờ khai hải quan không được kê quá 50 dòng nên với những doanh nghiệp nhập vài trăm mặt hàng một lúc, trước khai 1 tờ thì nay cần tới hàng chục tờ khai. Thường 1 lô hàng hàng trăm tờ khai với hải quan điện tử không vấn đề lắm nhưng phiền là kèo theo đó phải có hàng trăm giấy nộp tiền riêng rẽ”, ông Bình cho hay.

Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”