1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giáo sư Israel: Người Việt thông minh không kém người Israel, Mỹ

(Dân trí) - Giáo sư Avishay Braverman (Israel) cho biết: Người Việt Nam cũng thông minh không kém gì người Israel và người Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu các lãnh đạo có đưa ra một chiến lược để khai thác được?

Tại Hội thảo “Nền kinh tế đổi mới sáng tạo – Kinh nghiệm của Israel” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (19/6), các chuyên gia kinh tế Việt Nam và Israel đã chia sẻ khó khăn của Việt Nam khi bứt phá trong sự phát triển và bài học từ kinh nghiệm của Israel có phù hợp với Việt Nam.

Giáo sư Israel: Người Việt thông minh không kém người Israel, Mỹ - 1

Giáo sư Avishay Braverman (Israel): Người Việt thông minh chẳng kém người Israel và người Mỹ

Theo giáo sư Avishay, thế giới đang hoạt động ở nhiều trạng thái, thay đổi có tính chiến lược và xoay trục cực nhanh. Nhiều quan điểm, tư tưởng phát triển có thể đúng hiện tại nhưng sẽ là lạc hậu, cũ kỹ và trở nên vô nghĩa trong kỷ nguyên số.

Chính vì vậy, cần các nước chủ động tham gia thực chất vào các xu hướng vận động của kinh tế thế giới, công nghệ và phạm sai lầm.

Vị chuyên gia người Israel cho rằng, Israel được xem là đất nước silicon đứng thứ 2 thế giới với nhiều công trình, phát minh từ thực tiễn, từ đòi hỏi khắc nghiệt của tự nhiên, xã hội.

"Israel là hiện tượng phát triển nhờ có sự đổi mới, sáng tạo và hiện thực nó vào cuộc sống. Ở đất nước chúng tôi, mọi thứ đều đổi mới hằng ngày, mọi thách thức đều là cơ hội, mọi cá tính đều được thừa nhận và phát triển", GS Avishay nói.

Ông đặt ra câu hỏi cho Việt Nam: "Làm thế nào để Việt Nam được biết đến như một chiến lược gia công nghệ phát triển nông nghiệp? Rõ ràng, Việt Nam cần một bộ máy lãnh đạo giúp các bộ óc đi lên, có thể thoải mái sáng tạo trong lĩnh vực này".

Vị chuyên gia Israel khuyên: Việt Nam cần phải là đầu tư trường học, kết hợp với doanh nghiệp nghiên cứu kiến thức mới phù hợp với thời đại này. Để 10 đến 20 năm nữa, người Việt phải đứng đầu vận hành các công ty khổng lồ thế giới, thay vì người Nhật Bản, người Hàn Quốc.

Giáo sư Avishay chia sẻ: Thực tế, đa số các công ty startup đều thất bại, 95% công ty, thậm chí hơn đều thất bại. Phần rất nhỏ thành công, họ hoàn toàn có thể trở thành Amazon, Google.

Chính vì thế, theo ông này vai trò của Chính phủ là phải khuyến khích họ thất bại. Muốn người dân dám chấp nhận rủi ro tham gia vào làm một việc gì đó, thì có chính sách bảo hiểm để khuyến khích người dân tham gia khởi nghiệp.

"Người Việt thông minh không kém gì người Israel, người Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu có 1 tầng lớp lãnh đạo đưa ra chiến lược khơi dậy và khai thác được hay không? Thế giới đang ở thời đại thay đổi hàng ngày với trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung....

Liệu Việt Nam sẽ tự vẽ và chỉ đường, dẫn lối cho mình được hay không? Tôi mong là đợi 19 năm nữa, khi tôi 90 tuổi quay lại Việt Nam sẽ có một Việt Nam thịnh vượng", Vị chuyên gia Israel nói.

Tại Hội thảo, đại diện phía Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện CIEM: "Tại sao Việt Nam thành công trong chiến tranh nhưng chưa thành công lắm để xây dựng thành quốc gia thịnh vượng. Việt Nam có dân số lớn, diện tích trung bình, là nước nhỏ, nói về GDP bình quân đầu người thì Việt Nam vẫn là một nước nghèo".

TS Cung nói: "Làm thế nào để chúng ta thay đổi được chính mình, vượt lên được, tôi cho rằng phải phát triển công nghệ. Đây là điều chúng ta nói nhiều nhưng chưa làm được!"

Theo ông Cung, Việt Nam đang thiếu một cái gì được coi như là động lực, áp lực để tận dụng trí thông minh của người Việt Nam, của bối cảnh kinh tế toàn cầu để xem phát triển công nghệ như con đường phát triển đúng đắn nhất trong thời đại hiện nay.

Nguyễn Tuyền