Giám đốc Bơn

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, không ai có thể ngờ được cơ sở của anh là đầu mối lớn cung cấp mặt hàng túi nilon siêu thị cho thị trường miền Bắc. Là ông chủ, nhưng anh làm việc chẳng khác gì một công nhân bình thường...

Khi chúng tôi đến, anh đang mải mê bên chiếc máy thổi nilon, lúc thì bắt bóng, lúc lại tất tả nhảy lên giàn máy cài nilon vào vòng quay...

Liều kinh doanh

Xã Quảng Phú Cầu (Hà Tây) có “truyền thống” thu mua nhựa phế thải 40 năm nay. Quanh năm, cả làng đi khắp chốn cùng nơi thu mua phế liệu. Mua rồi mang sang Hưng Yên bán, sau đó lại mua giấy bóng (túi nilon) về, bán cho các vùng lân cận.

Nhìn thấy sự vô lý, anh nông dân Nguyễn Chí Bơn (sinh 1951) quyết định đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất túi nhựa với quy mô lớn, tiêu thụ tại chỗ nguồn nguyên liệu của người dân.

Thấy được điểm thuận lợi to lớn này, anh đã liều vay mượn vốn liếng, đầu tư cơ sở, máy móc hiện đại, chính thức bước vào kinh doanh ngày 29/2/1997. Ngày đầu sản xuất, anh có 50 triệu tích cóp từ nuôi baba, vay ngân hàng thêm 50 triệu. Tổng cộng, lưng vốn bỏ ra cũng kha khá.

Nhưng công việc chẳng xuôi chèo mát mái như anh nghĩ. Một anh nông dân quanh năm chỉ chăn thả baba không biết gì về cơ khí, chẳng lường hết được những phát sinh trong sản xuất, nhất là vấn đề kỹ thuật. Trước khi mở cơ sở, anh Bơn phải “khăn gói quả mướp” vào TPHCM học tập.

Học là vậy, nhưng bước vào sản xuất mới thấy phức tạp. Làm không đạt, anh phải mời chuyên gia từ Sài Gòn ra chỉ dẫn. Cũng chẳng ăn thua. Lô hàng đầu tiên không đạt tiêu chuẩn, các lô hàng tiếp theo cũng không đạt yêu cầu, hàng làm ra không bán được. Hết vốn, ông chủ Bơn buộc phải đóng cửa cơ sở và… rao bán máy.

Chuột chạy cùng sào

Thất bại liên tiếp mấy lô hàng, anh tưởng như không thể tiếp tục kinh doanh. Rao bán máy chẳng ai mua, có chăng có mấy tay thu mua sắt vụn ngày nào cũng ngấp nghé.

Của một đống tiền nằm ở góc nhà, bán cũng dở mà không bán cũng chết. Anh Bơn lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, cười dở mếu dở.

Nếu không bán được thì chỉ còn cách sản xuất tiếp, khi đó lại càng khó khăn hơn vì tinh thần của tất cả mọi người đã bị lung lay, khó lòng có được quyết tâm như ngày mới ôm máy về. Trong tình cảnh bí bách đó, anh quyết định chỉ có thể tiến chứ không thể lùi. Phải từ bỏ ý định bán máy, và học kỹ thuật để làm lại từ đầu.

Giám đốc Bơn - 1
  

Bên chiếc máy Nilon, anh Bơn

thực sự là 1 công nhân

Thời điểm bắt đầu sản xuất trở lại, rất nhiều bạn bè khuyên ngăn, rằng anh nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Họ sợ anh thất bại một lần nữa. Anh Bơn bồi hồi: “Bản thân tôi khi đó cũng rất sợ, sợ lại không thành công sẽ làm khổ vợ con, nhưng “chuột chạy cùng sào”, không còn cách nào khác, phóng lao phải theo lao thôi. Tôi đã xác định tư tưởng và quyết bảo vệ, chiến đấu với nó đến cùng. Tôi có được như ngày hôm nay chính nhờ sự quyết tâm đó”.

Kiên trì là có tất cả

Hiện cơ sở sản xuất của anh có 20 công nhân làm việc liên tục, mỗi ngày cho ra 1,5 tấn sản phẩm. Lúc nào trong kho cũng có trên 100 tấn vật liệu trị giá hơn 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ khi nào. Túi nilon làm ra bây giờ không chỉ cung cấp cho bà con làng xã, trong tỉnh, mà các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang cũng tấp nập về lấy hàng, rồi ôtô ở tận đâu đâu cũng tìm về bốc hàng.

Khởi nghiệp chỉ có 100 triệu tiền vốn, sau 8 năm anh Bơn đã là ông chủ của một cơ sở sản xuất rộng 578m2 với số vốn lưu động hàng tỷ đồng. Mức lương tối thiểu của mỗi công nhân là 1,3 triệu/tháng. Hiện cơ sở có 4 máy làm hạt nhựa; 3 máy thổi nilon; 3 máy cắt dán nilon. Cơ sở sản xuất tất cả các mặt hàng từ túi nilon siêu thị, áo mưa, tấm chắn chuột. Để tiện cho sản xuất, năm 2004, anh đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt một trạm biến thế riêng, 300 triệu đồng mua máy làm túi mới...

Đến nay, tuy đã có trong tay cả một bề dày kinh nghiệm trong sản xuất, nhưng anh vẫn phải liên tục cập nhật kỹ thuật và công nghệ. Nói tới chuyện công nghệ, anh rạng rỡ: “Công nghệ sản xuất liên tục cải tiến, nếu không thay đổi sẽ “chết” ngay. Máy cũ dù vẫn sản xuất tốt nhưng vẫn buộc phải vứt bỏ, thay thế bằng những máy mới hiện đại hơn, năng suất hơn”.

Ông giám đốc chân đất này đưa ra bài toán lý giải cho việc buộc phải lãng phí, bỏ xó những máy dù vẫn chạy tốt: Cũng có ngần ấy công nhân, dùng máy mới họ có thể sản xuất ra 1 tấn/ngày, còn mình chỉ đạt 5 tạ/ngày, như vậy sản phẩm của mình dù có bán đắt hơn thì vẫn bị lỗ. Vì vậy buộc phải thay đổi. Máy mới đắt gấp 4 lần máy cũ, nhưng bù lại, một nhát cắt của nó ra được 8 túi, thay vì chỉ ra được 3 túi như mọi khi.

Chỉ kiên trì thì chưa đủ, mà phải thật linh hoạt, sắc sảo trong quản lý. Anh Bơn cho rằng, có kiên trì mà không quản lý tốt cũng “vứt”. Giờ làm việc của công nhân anh quản lý chặt theo kiểu tư bản, đi muộn một phút cũng trừ tiền. Nhờ đó mà công nhân rất quy củ trong làm việc, hiệu quả công việc cao. “Phải hình thành cái nếp cho họ từ ngày đầu đi làm. Muốn đạt được điều đó thì ông chủ phải là người gương mẫu đầu tiên”, anh Bơn tâm sự.

Chúng tôi hỏi, rằng anh có định mở rộng quy mô sản xuất, anh Bơn khẳng định: Việc mở rộng sản xuất là điều tất yếu, nhưng phải biết trình độ mình đến đâu thì tiến đến đó, tiến bước một nhưng là tiến chắc, tiến bền.

Hồng Hải - Bảo Trung