1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giải pháp gỡ bỏ rào cản “thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin” cho doanh nghiệp nhỏ

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, hơn 36.600 doanh nghiệp (DN) trong cả nước tạm ngừng hoạt động và giải thể. Trong đó, có 92,4% là các DN nhỏ có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.

Vì sao doanh nghiệp nhỏ dễ thất bại?

Theo ông Lương Minh Huân, Viện phó Viện phát triển Doanh nghiệp VCCI, khi xem xét về nguyên do từ bỏ kinh doanh, có ba lý do chính được người Việt Nam đề cập nhiều là vấn đề cá nhân, tài chính và gặp sự cố.

Khi chủ DN nhỏ thiếu các kỹ năng quản lý cần thiết để điều hướng, quản lý công việc kinh doanh lên tầm cao hơn thì dự án kinh doanh do người đó phụ trách dễ dàng bị thất bại. Người quản lý DN phải có khả năng xử lý hiệu quả các công việc liên quan đến nhân viên, dòng tiền, dây chuyền sản xuất hoặc ít nhất có khả năng thuê một người quản lý tốt để thay mình làm những việc đó. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ DN nhỏ vẫn chưa có kinh nghiệm và cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này.

Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một lý do quan trọng khác là DN nhỏ thường thiếu thông tin, không có đủ nhân viên để theo dõi tình hình cạnh tranh trên thị trường, chưa tổng hợp, phân tích thông tin về thị trường trong nước và thế giới. Các DN này cũng chưa quan tâm đến sự giúp đỡ của nhiều tổ chức hỗ trợ cho các DN nhỏ ở Việt Nam và tận dụng các nguồn thông tin và phương pháp quản lý mà các tổ chức này cung cấp. Chính vì thế, họ thường đi sau các tập đoàn lớn trong việc phát triển ý tưởng kinh doanh và sản phẩm khiến khả năng cạnh tranh giảm đi.

Chia sẻ - giải pháp gỡ bỏ rào cản “thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin”

Các doanh nghiệp có thể khắc phục sự “thiếu kinh nghiệm” bằng cách chia sẻ và học hỏi từ những doanh nghiệp đi trước - Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp có thể khắc phục sự “thiếu kinh nghiệm” bằng cách chia sẻ và học hỏi từ những doanh nghiệp đi trước - Ảnh minh họa

Trong vài năm gần đây, nhiều cộng đồng doanh nghiệp được xây dựng đã thể hiện được vai trò của sự kết nối doanh nhân. Ngoài các mô hình hoạt động offline như VSV, Startup Grind…, các cộng đồng trực tuyến như mobibiz.vn, Launch… thường xuyên có nhiều thảo luận sôi nổi xung quanh những ý tưởng hoặc vướng mắc khi triển khai phương án kinh doanh.

Đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, đơn vị đang xây dựng mobibiz.vn, cho hay, đối với bất cứ doanh nghiệp nào, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, cập nhật thông tin thị trường là điều bắt buộc phải làm để theo kịp xu hướng. Không những thế, doanh nghiệp phải “hiểu” chứ không chỉ là “biết thông tin”. Cách làm hiệu quả nhất để hiểu trọn vẹn chính là chia sẻ và thảo luận với các doanh nghiệp khác hoặc với chuyên gia.

Vị đại diện cũng nhấn mạnh ở Mobibiz, ngoài các thông tin và kinh nghiệm do thành viên chia sẻ, MobiFone xây dựng đội ngũ chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như truyền thông, tài chính, nhân sự, quản trị khủng hoảng… Đây chính là nhóm nhà tư vấn tin cậy để giải đáp mọi vướng mắc trong kinh doanh và điều hành của các doanh nghiệp.

Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận định, những doanh nghiệp đã phát triển đến một mức nhất định đều thoải mái trong việc chia sẻ kinh nghiệm với người khác như một cách khẳng định mình. Đây chính là cơ hội mà các doanh nghiệp non trẻ cần chủ động tiếp cận để học hỏi những bài học thực tế. Không những thế, họ có thể đem chính các vấn đề của doanh nghiệp mình ra thảo luận để tìm ra hướng giải quyết đúng đắn.

T.H