1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giải ngân 12,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2014

(Dân trí) - Mặc dù tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong năm 2014 giảm nhẹ so với năm trước đó với 21,91 tỷ USD song khối lượng giải ngân lại tăng mạnh 8,7%. Vốn FDI chủ yếu chảy vào công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản và xây dựng.

Giải ngân 12,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2014
Vốn FDI vẫn chảy mạnh vào bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 2,83 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư đăng ký

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu vừa vừa chính thức chốt số liệu FDI năm 2014. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2014 cả nước có 1.843 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013 và 749 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,41 tỷ USD, bằng 68,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung trong năm 2014 tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,92 tỷ USD, bằng 98,1% so với 2013. Trong khi đó, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 12,5 tỷ USD, tăng 8,7%.

Năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 880 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,5 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng không hề kém hấp dẫn khi tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 2,83 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là lĩnh vực xây dựng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,08 tỷ USD.

Trong 12 tháng của năm 2014 đã có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với số tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 7,7 tỷ USD, chiếm 35,1% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam.

Hồng Kông là đối tác đầu tư ở vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,03 tỷ USD, chiếm 13,9% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,89 tỷ USD, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Không kể dầu khí ngoài khơi, giới đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh thành phố trên cả nước. Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,35 tỷ USD, chiếm 15,3% vốn đăng ký. Các vị trí tiếp theo thuộc về TP Hồ Chí Minh với 3,26 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư; Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,83 tỷ USD, chiếm 8,4% vốn đăng ký.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2014, trong tổng số 1.843 dự án được cấp mới thì có 4 dự án vốn lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư 4 dự án là 6,65 tỷ USD chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư năm 2014.

Còn lại 69,5% vốn đầu tư là những dự  án có quy mô vốn vừa và nhỏ, trong đó dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD chỉ chiếm 11,5% số dự án và 47,5% vốn đầu tư. Riêng những dự án có vốn đầu tư với quy mô vốn nhỏ dưới 1 triệu USD chiếm 56% số dự án đăng ký nhưng chỉ chiếm 2% vốn đầu tư.

Các doanh nghiệp FDI vẫn khẳng định vai trò quan trọng của mình trong cán cân thương mại. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) trong năm 2014 đạt 101,21 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 93,98 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2013 và chiếm 62,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.  

Về phía nhập khẩu, kim ngạch năm vừa rồi của khối này đạt 84,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 12 tháng năm 2014, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,02 tỷ USD.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”