1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giải mã cơn lốc xài sang

Ở Trung Quốc, người ta mở hẳn một trường dạy văn hóa cho những người giàu. Những người giàu này phải đi học để biết cách xử sự tương xứng với số tiền họ có.

Mới đây Hermès - nhãn hiệu thời trang xa xỉ nhất thế giới đã khai trương chi nhánh tại TP.HCM sau bốn năm mở chi nhánh ở Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Hermès tại Việt Nam vẫn tăng trưởng đều 20%-30%. Điều đó cho thấy đang có một bộ phận người tiêu dùng chi tiền mạnh tay cho hàng hiệu.

Phóng viên: Ông có thể lý giải tại sao Hermès không chọn TP.HCM trước thay vì Hà Nội?

TS Lê Xuân Nghĩa: Thực ra người Hà Nội (HN) có một tâm lý tiêu dùng mạnh tay hơn, chơi ngông hơn và người HN lại giàu có hơn ở TP.HCM. Điều này thể hiện tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của người ở HN gần gấpđôi TP.HCM, mặc dù dân số của HN chỉ bằng một nửa TP.HCM. Trong khi đó tín dụng mà hệ thống ngân hàng cung cấp cho HN chỉ bằng một nửa TP.HCM. Nói cách khác, người HN có nhiều tiền nhưng không có nền tảng làm ăn.

Ông có thể phân tích rõ hơn?

Trước đây chúng tôi hay nói đùa rằng tiền tiết kiệm ở HN đi qua đèo Hải Vân để vào TP.HCM. Như vậy để thấy rằng người HN rất nhiều tiền và tầng lớp trung lưu ở đây đang phát triển rất nhanh, họ tiêu dùng rất mạnh tay. Chúng ta có thể nhìn thấy tất cả xe hơi, xe máy sang trọng đều có mặt ở HN trước. Tính cách người sống ở HN cũng chăm chút hơn, đi xe phải sạch, quần áo phải sang trọng… Ngay cái nhà cũng muốn nhà to chứ không thể tạm bợ. Và khi họ có nhà rồi họ nghĩ ngay đến việc phải mua sắm các vật dụng trong nhà bằng mọi giá như tủ lạnh, máy rửa bát… Và một trong những mục tiêu họ sẽ phải phấn đấu là ăn ngon, mặc phải mốt và có thể tiêu dùng các sản phẩm đắt tiền… nên đó là điều dễ hiểu khi Hermès đã tới HN trước TP.HCM.

Chân dung người xài sang: Tầng lớp trung lưu

Có thông tin rằng chỉ mới nhập về một bộ sưu tập Hermès thì loáng cái đã bán hết sạch. Trong khi bộ túi xách thời trang gồm bốn chiếc ấy có giá 140.000 USD/bộ thì quá kinh khủng và theo ông, ai là người dám bỏ ra hàng tỉ đồng để mua?

Thực tế thương hiệu Hermès được thiết kế rất đẹp, không cầu kỳ nhưng trẻ trung và được làm với chất lượng da rất cao cấp nên nhiều người thích là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ không cần biết họ là ai, vì những người có tiền họ mua thì dù ở TP.HCM hay HN đều thế cả. Song tầng lớp mua chắc phải giống nhau mà đó là tầng lớp trung lưu.
 
Tầng lớp này đang phát triển rất mạnh ở HN. Đặc điểm của tầng lớp trung lưu là họ bắt đầu có tiền để thực hiện các giấc mơ của họ khi họ còn nghèo nhưng không đủ lớn để nghĩ đến việc đầu tư và họ luôn nhìn thấy tầng lớp thượng lưu. Bởi vậy họ chỉ muốn tạo cho mình phong cách sinh hoạt hào nhoáng hơn, phần nào văn minh hơn. Nhất là phụ nữ trung lưu, họ coi chuyện mua sắm đồ nổi tiếng là mục tiêu không mệt mỏi. Và các hãng thời trang coi đây là đích ngắm của họ. Còn giới thượng lưu giàu có hơn nữa, họ coi những sản phẩm đắt tiền không có gì đặc biệt và không quan tâm nhiều đến nó, họ nghĩ đến việc đầu tư và kinh doanh nhiều hơn.

Nhưng nếu một người kiếm tiền cực nhọc họ có sẵn sàng tiêu xài xả láng như vậy không, thưa ông?

Nhưng nếu một người kiếm tiền cực nhọc họ có sẵn sàng tiêu xài xả láng như vậy không, thưa ông?

Thường những khu vực giàu lên một cách nhanh chóng thì tiêu dùng cũng rất dễ dàng hơn. Bởi thế những người kiếm tiền, có tiền một cách dễ dàng thì cũng sẵn sàng mua sẵm dễ dàng. Đó là tâm lý tiêu dùng của các quốc gia mới nổi như Việt Nam và Trung Quốc… Bởi ở các nước này, sự chênh lệch giàu nghèo trở nên rất lớn vì cơ hội làm ăn cho người giàu rất nhiều mà người nghèo dường như không có. Và khi xã hội mà tính minh bạch không cao thì khả năng tiếp cận cơ hội sẽ là lợi thế đầu tư làm ăn cho những người giàu có. Và việc kinh doanh của các quốc gia mới nổi là kinh doanh “cánh hẩu”, nghĩa là kinh doanh bằng quan hệ. Khi một người giàu đương nhiên có quan hệ rộng rãi, họ có thể gặp bất cứ ai. Còn người nghèo đến chủ tịch xã cũng khó tiếp cận được chứ chưa kể là các giới khác.

Phát triển tiền của và văn hóa không đều

Những người giàu lên nhanh chóng này thường trong lĩnh vực nào, thưa ông?

Ở HN, nhóm những người kiếm tiền nhiều nhất là các đại gia đến từ việc kinh doanh đất đai. Cả nước diện tích đất bị tồn đọng là 71.000 ha, trong đó TP.HCM chỉ có 10.000 ha, còn HN là 21.000 ha. Điều đó cho thấy người HN đầu cơ rất mạnh vào đất đai. Họ đầu cơ cả ở các tỉnh khác như Đà Nẵng, Đà Lạt và TP.HCM…

Nhưng thưa ông, tiền ở đâu ra để đầu tư vào đất đai?

Đất đai nằm ở trong tay chính quyền. Nó chỉ có thể thoát khỏi tay chính quyền để trở thành tư liệu sản xuất, dự án đầu tư khi mà chênh lệch về giá lớn. Và với một cơ chế như ở TP.HCM, về thủ tục cấp phép, đất thông thoáng hơn sẽ tạo ra chênh lệch giá đất ít hơn. Nên lượng người đầu cơ đất ở TP.HCM ít hơn ở HN. Và đó là những người có quan hệ nhất định với chính quyền hoặc những người biết cách để kiếm tiền sẽ giàu nên nhanh chóng từ đây.

Khi người ta giàu quá nhanh chóng, liệu có hệ lụy gì đằng sau không, thưa ông?

Có một thực tếở các quốc gia mới phát triển, những đại gia mới nổi thì tốc độ phát triển của tiền nhanh quá mức so với sự phát triển của văn hóa. Chính vì thế ở Trung Quốc, người ta mở hẳn một trường dạy văn hóa cho những người giàu. Nghĩa là họ phải đi học để biết cách xử sự tương xứng với số tiền họ có. Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như ít ai có ý thức học cho nên là ngông nghênh, con cái hành xử bừa bãi cậy thế bố có tiền và bản thân bố mẹ cũng vậy, không coi ai ra gì. Rất đơn giản, bởi vì kiếm tiền quá dễ và số tiền đó phát triển quá nhanh. Nên càng ngày văn hóa càng lùn đi mà tiền thì lên đến đỉnh cao.

Chơi cho người biết tay: Cách chơi "lùn" trí tuệ

Ông đánh giá thế nào về cách tiêu xài của người Việt Nam?
 
Một lần tôi cùng đoàn Việt Nam đi London công tác. Cả đoàn sống ở khách sạn bốn sao ở quận Chelsea, đây cũng giống quận 1, quận 3 ở TP.HCM. Buổi tối chúng tôi xuống nhà hàng ở khách sạn ăn cơm. Mọi người giao tôi đi chọn rượu. Tôi ra quầy bar thì chỉ thấy chủ yếu toàn rượu địa phương đóng chai giống lúa mới, nếp mới của mình. Loại duy nhất đắt tiền ở đó là Chivas 12 năm nên tôi đem vào thì bị cả đoàn chửi là tại sao lại keo kiệt đến thế. Tôi bảo đây là loại đắt nhất ở quầy bar thì không ai tin nên chạy ra kiểm tra thì đúng vậy thật. Một người trong đoàn tức tối đứng dậy gọi taxi ra một siêu thị bán rượu mua sáu chai Johnnie Walker loại Blue label về bày hết lên bàn trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ngày hôm sau, một ông già của khách sạn hỏi tôi các ông là người nước nào mà ăn tiêu khủng khiếp thế, có phải là các tỉ phú không. Khi tôi bảo là người Việt Nam thì ông ta hỏi ở Việt Nam các ông làm nghề gì. Tôi không trả lời. Điều đó cho thấy cung cách ăn tiêu của người Việt Nam mình, xét về mặt văn hóa, vẫn kém phương Tây một bậc, kể cả những người có hiểu biết, có văn hóa.

Có thể người phương Tây sẽ dành một khoản tiền vài trăm USD để xem một vở nhạc kịch nhưng người ta không dùng số tiền đó để nhậu. Còn khi đã uống rượu, họ rất kỹ lưỡng và có công thức của nó. Chẳng hạn, người Mỹ khai vị uống Whisky, vào ngồi ăn thì uống vang, ăn xong rồi thì uống Cognac.

Lỗ hổng của giới trẻ

Nhưng sẽ ra sao nếu việc thích mua sắm, thích chơi ngông… không phải của đại gia mà ngay trong giới trẻ và đang trở thành trào lưu nghiện hàng hiệu?

Ở đâu cũng có trường hợp như vậy. Một lần đi Mỹ, tôi chứng kiến một chàng thanh niên da màu ngồi trong chiếc xe mui trần hạng sang. Khuôn mặt rất hãnh diện khi anh vặn nhạc to đến mức muốn rụng cả tim. Ở HN mới đây khi dừng ở ngã tư, một cô gái cũng đi xe mui trần mới tinh, ngồi trong xe bật nhạc rình rình khiến tất cả người xung quanh phải nhìn. Trong khi mọi người đều quay lại nhìn thì cô ta tỏ ra hãnh diện. Đó là trạng thái tâm lý của một tầng lớp mà sự giàu có của họ không tương xứng với văn hóa.

Nhưng ông suy nghĩ sao khi có một số người cố mua xe hơi, mặc đồ hiệu… để tỏ ra sành điệu, giàu sang, hợp mốt trong khi họ vẫn đang ở nhà thuê?

Có thể nhà là quá xa tầm tay của họ nhưng điều này phản ánh tâm lý muốn tỏ ra cho thiên hạ biết mình cũng có vai có vế, có thần có thế, có tiền có của. Những người như vậy sức mua nhà của họ khác với những người bình thường. Tuy nhiên, tâm lý đua đòi ở những thứ mà nhiều người nhìn thấy như xe hơi, quần áo, điện thoại… để nhiều người thán phục. Còn nhà thì chẳng ai biết đâu.

Vậy theo ông điều gì đáng lo ngại nhất của giới trẻ bây giờ khi có một bộ phận đua đòi, thích mua sắm?

Giới trẻ bây giờ có khả năng tiếp cận rất nhanh với thông tin toàn cầu. Điều đó cũng do tiến bộ công nghệ đem lại. Nhưng để bắt chước những giá trị tốt đẹp của các quốc gia khác đòi hỏi người có bản lĩnh, nghị lực và sự học hỏi. Trong khi bắt chước những cái gọi là bề nổi như ăn chơi, làm đẹp thì rất dễ. Trở thành một con người có sức mạnh trí tuệ thì rất khó nhưng để cho người ta thấy anh ta là một người sành điệu không khó lắm. Nhưng giới này lại là những người lôi người khác sử dụng và trở thành trào lưu.

Xin cảm ơn ông.

Giàu nhưng trách nhiệm cộng đồng thấp

Trách nhiệm cộng đồng của nhiều đại gia Việt Nam rất thấp. Họ chỉ tỏ ra thích mặc đẹp, đi xe sang…, nói chung là thích sự hào nhoáng. Còn thường những người thực sự giàu có sống ở một môi trường tương đối văn minh họ hành xử với đồng tiền rất có trách nhiệm vì họ rất quý trọng đồng tiền.

Chẳng hạn, các tỉ phú Mỹ họ dành 30%-50% để làm từ thiện, không chỉ vì họ có trách nhiệm với xã hội mà họ biết rằng con cái của họ cũng có bổn phận phải đi kiếm sống, tự làm giàu chứ không thể sống trên nền tảng giàu có của họ. Bởi vậy thuế đánh trên tài sản thừa kế ở các nước châu Âu thường 50%-70%, thậm chí ở Thụy Điển trước đây từng đánh thuế lên tới 90%. Trong khi đó các tỉ phú Mỹ đến Trung Quốc vận động các tỉ phú Trung Quốc làm từ thiện thì cả buổi tối mời cơm thì chỉ có vài người tới. Đó cũng là cách hành xử kém văn hóa với đồng tiền mình kiếm được.

TS LÊ XUÂN NGHĨA

 
Theo Yên Trang
Pháp luật TP.HCM