1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Giá tiêu dùng còn tăng và diễn biến rất phức tạp”

(Dân trí) - Chưa đầy 2 tháng với 3 lần xác lập giá mới, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao. Tình hình này được cơ quan chức năng nhận định do nhiều nguyên nhân, trong đó giá xăng dầu và điện tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả trên thị trường tiêu dùng.

Liên quan đến tình hình biến động giá theo xu hướng tăng cao tại thị trường Hà Nội, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội về vấn đề này.

 

Ông nhận định như thế nào về tình hình thị trường tiêu dùng Hà Nội liên tục có những biến động về giá cả?

 

Trong những ngày vừa qua, thị trường Hà Nội có nhiều diễn biến rất phức tạp và theo xu hướng tăng. Như vậy, từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão, thị trường Hà Nội đã có 2 - 3 lần xác lập giá mới. Sự tăng giá này tập trung vào nhóm ngành hàng thiết yếu mà trực tiếp là lương thực thực phẩm, hàng tươi sống.

 

Từ nửa cuối tháng 2, khi nhu cầu tiêu dùng sau Tết bắt đầu tăng thì giá cả cũng có biến động nhẹ, tuy nhiên mặt bằng giá mới chính thức được xác lập vào thời điểm xăng dầu tăng giá mạnh (ngày 24/2). Sang ngày 1/3, khi giá điện bắt đầu tăng thì thị trường tiêu dùng tiếp tục xác lập giá 1 mặt bằng mới. Mới nhất là ngày 29/3, khi giá xăng dầu tăng lên 21.300 đồng/lít thì mức giá mới trên thị trường tiêu dùng lại một lần nữa xác lập cao hơn hồi giữa tháng 3.

 

“Giá tiêu dùng còn tăng và diễn biến rất phức tạp” - 1
Trên thị trường tiêu dùng tự do, giá lương thực thực phẩm "đội" giá từng ngày

 

Nói như vậy thì nguyên nhân là do giá điện và xăng dầu tăng thưa ông?

 

Thị trường biến động giá do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản đó là hiệu ứng lan tỏa vì trong thời gian vừa qua giá của một số nguyên liệu đầu vào tăng rất cao như giá điện và xăng dầu, sự tăng giá này đã tác động trực tiếp làm giá cả tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội tăng theo.

 

Những yếu tố khách quan khác tác động lên giá giá tiêu dùng như tỷ giá giữa đồng USD với VNĐ và tỷ giá giữa đồng VNĐ với các đồng ngoại tệ khác nói chung.

 

Tình hình dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm chưa được khống chế và dập tắt toàn bộ trên địa bàn thành phố và một số vùng lân cận đã gây ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực thực phẩm.

 

Ngoài ra, diễn biến thiên tai, tình hình kinh tế, chính trị và quân sự trên thế giới đã ảnh hưởng đến giá nhập khẩu hàng hóa, từ đó tác động đến giá tiêu dùng trong nước.

 

Chưa đầy 2 tháng mà thị trường tiêu dùng Hà Nội có tới 3 lần xác lập giá mới, sự tăng giá liên tục như thế này có phải là đột biến không thưa ông?

 

So với những năm trước, sau Tết Nguyên đán thì sự biến động ấy tăng nhẹ hoặc giảm tùy theo mặt hàng. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán 2011 thì thị trường đã có biến động về giá theo xu hướng tăng, so với những tháng đầu năm 2011 thì sự tăng giá trong thời gian vừa qua không có gì là đột biến cả, đặc biệt là điện và xăng dầu tăng giá đã kéo theo một loạt các mặt hàng và dịch vụ tăng theo.

 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng sự tăng giá này một phần do tâm lý của người bán, người mua. Trước ngày 1/3, giới tư thương đã lợi dụng tình hình để đẩy giá tăng trước và tùy tiện tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa” nhằm thiết lập một mặt bằng giá mới. Với tình hình này thì phải 1 - 2 tháng nữa thì thị trường mới dần ổn định về giá cả.

 

Giá xăng dầu vừa tiếp tục tăng mạnh hôm 29/3, theo ông liệu rằng sẽ lại có sự xác lập 1 giá mới hay không? Trong sự nhạy cảm của thị trường Hà Nội thì những mặt hàng nào là tăng mạnh nhất?

 

Có thể xăng dầu và điện tăng giá sẽ ảnh hưởng tới tất cả các loại hàng hóa. Thực tế, không loại hàng hóa nào là không cần vận chuyển và bảo quản, vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, từ nơi dự trữ đến nơi phân phối và bán lẻ… khiến chi phí vận chuyển tăng lên.

 

Đồng thời với chi phí vận chuyển tăng thì giá bán ra cũng sẽ tăng, chắc chắn giá mặt hàng đều tăng. Tuy nhiên, những mặt hàng tăng ngay sẽ là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu mà trực tiếp là lương thực thực phẩm. Đây là mặt hàng tươi sống phải vận chuyển hàng ngày và giữ trữ hàng giờ, nó khác với những nhóm hàng đang trong chu kỳ sản xuất.

 

“Giá tiêu dùng còn tăng và diễn biến rất phức tạp” - 2
Trước tình hình thị trường biến động giá, Hà Nội sẽ mở thêm các điểm bán hàng bình ổn

 

Sở Công thương Hà Nội đã có những giải pháp nào để bình ổn thị trường trong tình hình biến động giá như thế này?

 

Trước diễn biến phức tạp của thị trường hiện nay, UBND TP.Hà Nội đã giao cho Sở Công thường Hà Nội phải bình ổn giá thị trường để cân đối cung cầu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

 

Sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường góp phần kiểm soát giá và kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Chúng tôi đã xây dựng phương án bình ổn giá năm 2011 và Tết Nguyên đán 2012, kết hợp với những kế hoạch đưa hàng về nông thôn qua các phiên chợ Việt (hưởng ứng cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt).

 

Trong phương án bình ổn giá của chúng tôi thì phải tăng các điểm bán hàng bình ổn lên và mở rộng ra ngoại thành và các vùng nông thôn. Trước mắt, Sở có kế hoạch mở rộng các điểm bình ổn thông qua các phiên chợ Việt và các chuyến hàng lưu động (do thiếu điểm bán hàng cố định), còn về lâu dài phải có quy hoạch lâu dài và xây dựng một mạng lưới phân phối hoàn chỉnh.

 

Xu hướng thị trường trong thời gian tới theo ông sẽ có diễn biến như thế nào?

Với rất nhiều nguyên nhân khách quan và những biến động trực tiếp của giá cả đầu vào thì theo nhận định của chúng tôi thời gian tới thị trường tiêu dùng chắc chắn sẽ còn biến động theo xu hướng tăng nhưng tốc độ tăng không mạnh. Vì vậy, người tiêu dùng nên cân đối kế hoạch chi tiêu cho phù hợp, mua sắm tiết kiệm và hợp lý.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: Hiện Hà Nội có 397 điểm bán hàng bình ổn giá của 14 doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn, bao gồm cả nội và ngoại thành, trong các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ. Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội thì số điểm bán hàng bình ổn này còn quá ít, chưa đáp ứng được kịp thời và đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng.

 

Trong kế hoạch thực hiện bán hàng bình ổn của thành phố và liên ngành, Sở Công thương Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình này phải đảm bảo đủ hàng, không được phép để thiếu hàng, khan hàng bình ổn bán cho người tiêu dùng.

 

Việc bình ổn giá là tạo điều kiện để người tiêu dùng mua hàng với giá phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình bán hàng 2 giá quá lâu, giá chênh lệch trên dưới 10% giá so thị trường tự do nên bộ phận tư thương lợi dụng mua hàng để găm hàng, nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, giải pháp của chúng tôi là bán nhỏ giọt để điều tiết tình hình này.

Thực tế, hệ thống phân phối hàng hóa (kể cả trong nội thành Hà Nội) vẫn chưa hoàn chỉnh, còn thiếu và yếu rất nhiều so với nhu cầu. Đây là vấn đề cần nghiên cứu và xây dựng nhiều năm thì mới có thể hoàn thiện được hệ thống phân phối.

 

Quỳnh Anh (Thực hiện)