1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá thuốc lá quá rẻ, người Việt mỗi năm tốn 1,1 tỷ USD đi chữa bệnh

(Dân trí) - Giá thuốc lá trung bình của Việt Nam đứng gần cuối bảng trong so sánh với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, mỗi năm Việt Nam trung bình tốn hơn 1,1 tỷ USD cho các chi phí y tế chữa bệnh như ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ...

Theo mục tiêu tới năm 2020 của Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc của năm giới phải xuống 39% thay vì 45,3% năm 2017.
Theo mục tiêu tới năm 2020 của Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc của năm giới phải xuống 39% thay vì 45,3% năm 2017.

Bộ Tài chính mới đây đã có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá. Theo đó, phương án đầu tiên được tính đến là áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối).

Theo quy định, lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%. Theo phương án này, ngoài tỷ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.

Phương án thứ hai của Bộ Tài chính là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.

Đóng góp ý kiến về đề xuất của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng mức thuế tuyệt đối 1.000 đồng là thấp. Theo đó, ông Lâm đề xuất, bên cạnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75%, mức thuế tuyệt đối nên ở mức 2.000 đồng/bao hoặc tối ưu là 5.000 đồng/bao.

"Theo mục tiêu tới năm 2020 của Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc của năm giới phải xuống 39% thay vì 45,3% năm 2017. Nếu mức thuế tuyệt đối chỉ 1.000 đồng/bao, mục tiêu trên khó thành hiện thực. Với mức tăng 5.000 đồng/bao còn có thể giúp tăng thu cho ngân sách khoảng 10.700 tỷ đồng mỗi năm", ông Lâm tính toán.

Vị chuyên gia dẫn thống kê của WHO năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá đang ở mức rất thấp, chỉ vào khoảng 35% trong khi trung bình thế giới là 58,6%. So với các nước ASEAN, tỷ lệ này của Việt Nam cũng chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Myanmar nhưng thấp hơn một loạt nước khác như: Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia,…

"Điều này là một phần khiến cho giá thuốc lá trung bình của Việt Nam đứng gần cuối bảng trong so sánh với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, tổn thất do sử dụng thuốc lá của Việt Nam trung bình hàng năm lên tới hơn 1,1 tỷ USD (24.679 tỷ đồng) trong đó bao gồm các chi phí y tế cho một loạt các bệnh như ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ,…", ông Lâm nói.

Đại diện WHO nêu tính toán của WHO và Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, nếu tăng thuế để giá thuốc lá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng ở các nước đang phát triển khoảng 5%.

Đồng quan điểm, thạc sỹ Đào Thế Sơn, giảng viên Đại học Thương mại cho rằng, với tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ của Việt Nam chỉ là 35% nên mỗi đợt tăng thuế chỉ khiến giá thuốc lá tăng khoảng vài trăm đồng mỗi bao.

"Mức tăng này thậm chí còn không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân. Trong khi đó, lộ trình tăng thuế thời gian qua thiếu hiệu quả. Đặc biệt, khi nhìn vào lượng tiêu thụ thuốc lá hàng năm, con số này chỉ giảm trong những năm áp dụng chính sách tăng thuế nhưng trong những năm sau đó, lượng tiêu thụ lại ùn ùn tăng", ông Sơn nhận định.

Ông cũng cho rằng, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá những năm gần đây đang cho thấy, khoảng cách giữa những lần tăng thuế là quá xa trong khi mức điều chỉnh thấp, chỉ 5% mỗi đợt.

Vị chuyên gia ủng hộ với cách đánh thuế hỗn hợp bởi sẽ giúp thuốc lá dù rẻ hay đắt cũng sẽ bị áp thêm một số tiền vài nghìn đồng và có thể giúp hạn chế đối tượng là người thu nhập thấp và thanh thiếu niên.

Phương Dung

Giá thuốc lá quá rẻ, người Việt mỗi năm tốn 1,1 tỷ USD đi chữa bệnh - 2