1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Nội:

Giá nhà tăng vì siết tín dụng vào bất động sản

(Dân trí) - Giá nhà tại Hà Nội đang tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá căn hộ thương mại (hạng B – trung cấp) tăng mạnh nhất. Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội quý II/2016, nhiều hãng nghiên cứu thị trường BĐS tai Việt Nam đưa chung nhận định.

“Giá nhà tại Hà Nội đang tăng, đặc biệt diễn ra ở phân khúc căn hộ thương mại, nguyên nhân là do nguồn cung các dự án đang giảm; thị trường tác động mạnh bởi việc hạn chế tín dụng vào BĐS và xu hướng người mua nhà ngày càng ưa thích chọn nhà nhiều tiện ích hơn”, đại diện hãng nghiên cứu Savills khẳng định.

Cũng đưa ra khảo sát về thị trường BĐS Hà Nội trong quý II/2016, hãng nghiên cứu CBRE nhìn nhận: giá nhà ở tại Hà Nội đang tăng 4-6% so với năm trước, đặc biệt mức giá tăng diễn ra phổ biến ở những dự án căn hộ cao cấp, căn hộ trung cấp có vị trí tốt có khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai.

Giá nhà tăng vì siết tín dụng vào bất động sản - 1

CBRE nhận định: Đây là diễn biến khác biệt so với năm 2015 và những năm tiếp theo và thị trường đang chứng kiến sự hồi phục đáng ghi nhận về phân khúc hạng sang, đây là cơ hội và hy vọng cho các doanh nghiệp (DN) BĐS lớn, dự án lớn.

Về lượng giao dịch, Savills khẳng định, trong quý II/2016 phân khúc nhà ở thương mại tại Hà Nội đang dẫn đầu thị trường về lượng bán ra, các giao dịch thành công và giá bán. Thị phần căn hộ loại này giao dịch thành công chiếm 73% số căn hộ bán.

Đánh giá của hai hãng nghiên cứu trên đồng nhất với báo cáo thị trường BĐS 5 tháng đầu năm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra, trong đó nhấn mạnh giá nhà ở căn hộ thương mại cao cấp và trung cấp đang tăng trở lại. Cụ thể so với đầu năm 2016, giá căn hộ thương mại tăng từ 5 – 7% (giá bán sơ cấp chủ đầu tư - khách hàng), giá bán thứ cấp (bán qua khách hàng, môi giới với khách hàng mới) tăng từ 10 - 15%.

Giải thích về nguyên nhân khiến giá nhà ở cao cấp, thương mại tăng, lượng giao dịch phục hồi, GS. Đặng Hùng Võ, chuyên gia BĐS, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: Mức giá tăng do nguồn cung đang có dấu hiệu giảm dần vì tín dụng vào BĐS đang bị siết chặt. Các dự án mới của doanh nghiệp bị dừng cấp phép, triển khai vì nguồn vốn trở nên khó tiếp cận.

“Thông tư 06/TT-NHNN ban hành tháng 6/2016 dù cải thiện so với Thông tư 36 trước đó nhưng lượng vốn vẫn có xu hướng hạn chế vào BĐS. Nhiều DN không còn được tiếp cận vốn rẻ như trước. Vốn giảm, nguồn cung và số dự án chắc chắn sẽ giảm đi. Bên cạnh đó, gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, đồng nghĩa với căn hộ bình dân sẽ khan hiếm hơn, lượng giao dịch giảm. Từ giữa đến cuối năm 2016, thị trường BĐS vẫn được kỳ vọng duy trì sự tăng trưởng tích cực nhưng với mức độ cẩn trọng”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Nhận định về thị trong 6 tháng cuối năm, CBRE, Savills hay Jones Lang LaSalle đều khẳng định: Giá nhà tại Hà Nội đang tăng và sẽ tiếp tục tăng từ cuối năm 2016, sang năm 2017 và dự kiến sẽ chậm lại từ năm 2018 do nguồn cung đang có dấu hiệu giảm, tỷ lệ giảm mạnh nhất ở các dự án căn hộ giá bình dân do gói 30.000 tỷ đồng hết hiệu lực, gói vay mới chưa được khơi thông.

Đại diện của Savills bình luận: Giá căn hộ tại các quận như Thanh Xuân, Bắc - Nam Từ Liêm, Cầu Giấy vẫn phù hợp với sức mua của thị trường, đồng thời thu hút được lượng người tham gia góp vốn đông đảo.

Còn theo phân tích của đại diện của CBRE: “Giao dịch thị trường, giá căn hộ tăng chủ yếu tại phân khúc căn hộ cao cấp và trung cấp, trong khi giao dịch giảm ở căn hộ bình dân. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, lượng giao dịch căn hộ đạt 8.900 căn, trong đó phân khúc căn hộ thương mại, cao cấp chiếm tới hơn 40%; căn hộ bình dân chỉ chiếm 20% (tỷ lệ này giảm so với 26% năm 2015, 49% năm 2013 và 33% năm 2014). Đây là xu hướng chọn mua căn hộ thông minh, nhiều tiện ích mà các DN và dự án phải hướng đến trong thời gian tới”.

Nguyễn Tuyền