1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gia Lai: Bà con ở vùng “chảo lửa” “đội nắng” làm ra món bò đặc sản

(Dân trí) - Giữa cái nắng gắt ở vùng “chảo lửa” nhưng những người dân Krông Pa (Gia Lai) vẫn đứng hàng giờ để làm nên món đặc sản bò một nắng. Hơn nữa, bà con còn vào rừng để săn kiến vàng làm đồ chấm cho món bò.

Bò một nắng trên “chảo lửa”

Huyện Krông Pa có đàn bò lớn nhất tỉnh Gia Lai, với khoảng 70.000 con, chủ yếu là giống bò cỏ địa phương.

Với lợi thế nguồn bò cỏ dồi dào và khí hậu nắng nóng, bà con ở vùng “chảo lửa” Krông Pa đã làm nên món bò một nắng đậm đà hương vị của núi rừng Tây Nguyên.

Gia Lai: Bà con ở vùng “chảo lửa” “đội nắng” làm ra món bò đặc sản - 1
Những miếng bò một nắng được phơi dưới cái nắng gắt rồi đem bỏ vào tủ đông dùng dần

Giữa trời nắng như “đỏ lửa”, chúng tôi vượt hơn 100km từ TP.Pleiku về huyện Krông Pa. Những cơn nắng hắt thẳng vào mặt nên chúng tôi phải tránh vào một bóng râm. Ấy vậy mà,  trên những mái nhà, chúng tôi vẫn thấy những người phụ nữ Krông Pa “đội nắng” đứng phơi thịt bò hàng giờ.

Người dân đội nắng làm nên món đặc sản của vùng "chảo lửa"

Gạt giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên gò má, chị Phạm Thị Bình (Cơ sở sản xuất bò một nắng Uyên Linh) cho biết: “Đặc sản bò một nắng Krông Pa có xuất xứ từ những bà con người bản địa Jrai. Trước đây, khi làm thịt gia súc, ăn không hết nên bà con thường đem phơi nắng, gác bếp để bảo quản dùng lâu".

"Cái làm nên thương hiệu cho món bò một nắng là được làm từ loại bò cỏ nên thịt rất dai và ngọt tự nhiên. Để có món bò ngon thì phải lấy phần đùi, bắp của bò tơ. Sau đó, thái miếng thịt bò lớn như bàn tay rồi ướp với các gia vị gồm: muối, ớt, tỏi, sả, vừng…rồi phơi dưới nắng lớn", chị Bình nói.

Gia Lai: Bà con ở vùng “chảo lửa” “đội nắng” làm ra món bò đặc sản - 2
Giữa cái nắng như "đổ lửa" nhưng chị Bình vẫn đứng hàng giờ để phơi món bò một nắng

Bà Trần Ngọc Giao (chủ cửa hàng Bò một nắng Nhân Giao, huyện Krông Pa) người đã gắn bó lâu năm với nghề làm bò một nắng. Bà Giao chia sẻ: “Gia vị ướp vừa phải, nếu quá mặn khi sử dụng sẽ mất độ ngọt của bò, nếu nhạt quá sẽ không bảo quản được lâu. Để làm ra một 1 kg thịt bò một nắng cần 1,5-1,7 kg thịt bò tươi. Chính vì vậy, giá của loại đặc sản này dao động từ 450.000đ-550.000 đồng/kg".

"Thứ làm nên thương hiệu cho loại bò một nắng Krông Pa là không dùng chất bảo quản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm nên thịt có vịt ngọt, dai tự nhiên”, bà Giao nói thêm.

Xây dựng thương hiệu cho bò một nắng

Mỗi khi các bạn đến thăm vùng “chảo lửa” Krông Pa thì luôn được gia chủ chiêu đãi món bò một nắng chấm muối kiến vàng chính hiệu. Miếng bò thành phẩm được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, trước khi ăn thì đem ra nướng lại trên bếp than hồng. Nướng đến khi miếng bò cháy vàng cạnh, dậy mùi thơm hòa quyện của thịt bò, sả, ớt kích thích vị giác thực khách.

Muối kiến vàng, một loại đồ chấm ăn kèm bò một nắng cũng là một trong những đặc sản của vùng “chảo lửa”. Được biết, kiến vàng là loại sống trên những cây cao, lá xanh. Kiến vàng chứa thành phần dinh dưỡng cao, ăn có vị chua. Vào dịp tháng 1 – 3 hàng năm, những người dân bản địa thường đi săn kiến vàng trong rừng sâu. Trước khi đi, bà con phải bịt kín người để tránh kiến đốt, rồi dùng sào có cột sẵn lưỡi dao và chặt tổ kiến một cách nhanh nhất có thể. Khi cắt tổ kiến vàng xuống thì nhanh tay bỏ vào một cái nồi đang nóng để kiến chết đi. Sau khi bắt về, kiến được rang sơ trên bếp rồi đem giã với ớt, muối, bột ngọt…Muối kiến vàng được hòa quyện giữa vị chua rồi đem chấm với thịt bò khiến ai thưởng thức cũng phải gật gù.

Gia Lai: Bà con ở vùng “chảo lửa” “đội nắng” làm ra món bò đặc sản - 3
Món bò một nắng rất dễ làm những để ngon thì phải là bò cỏ Krông Pa và gia vị cho vừa tay để giữ được vị ngọt tự nhiên

Chị Phạm Thị Bình (Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai) chia sẻ: “Bò một nắng Krông Pa đã chế biến từ loại bò cỏ, tưới nên giá thành rất cao. Mỗi kí thịt bò một nắng, gia đình lãi từ 150.000 – 200.000 ngàn đồng. Mỗi năm, gia đình làm gần 1 tấn thịt bò một nắng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các thành phố lớn. Nếu trừ hết chi phí, gia đình lãi từ cũng 100 – 200 triệu đồng/năm".

"Thường đắt khách là vào thời điểm dịp tết, tiêu thụ từ 3 – 4 tạ thịt bò/tuần. Chính vì lợi nhuận cao nên có nhiều người ở khu vực khác làm bò một nắng từ thịt bò chết hoặc thịt bò bán ế để trà trộn bán ra thị trường. Mỗi dịp tết, khách hàng thường đặt trước cho những cơ sở uy tín như chúng tôi", chị Bình chia sẻ.

Bà Trần Ngọc Giao nói: “Gia đình tôi đã chủ động làm thủ tục xin phép các cơ quan nhà nước cấp phép công nhận logo sở hữu trí tuệ, giấy chứng nhận VSATTP và đang chờ tiêu chuẩn mã vạch. Hiện nay có tình trạng quá nhiều người làm, bò được đưa từ địa phương khác đến rồi quảng cáo bán tràn lan khắp nơi rất khó cho chúng tôi phát triển thương hiệu của mình, mong rằng các ngành chức năng quan tâm”.

Gia Lai: Bà con ở vùng “chảo lửa” “đội nắng” làm ra món bò đặc sản - 4
Các gia vị được tẩm ướp để khi nướng bò sẽ có vị ngọt thơm

Việc xây dựng thương hiệu và quảng bá cho sản phẩm bò một nắng – muối kiến Krông pa mới chỉ là tự phát, chưa có quy mô để hướng tới sự phát triển bền vững cho thị trường trong và ngoài nước.

Trong thời gian gần đây, chính quyền huyện Krông Pa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho bà con làm bò một nắng quy mô, đảm bảo an toàn thực phẩm…Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất.

Phạm Hoàng