1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giá dầu thế giới sắp bước vào đợt đại suy thoái mới?

Giá dầu trong những ngày vừa qua không những không tăng mà còn đang có dấu hiệu của một đợt giông bão mới dìm giá dầu và đồng thời là cả nền kinh tế thế giới xuống tận đáy.

Một cuộc chiến giá dầu lần thứ hai gần như là không thể tránh khỏi ở thời điểm hiện tại. Chỉ có điều là lần này, gió đang xoay chiều, và OPEC mới đang là kẻ yếu thế.
 
Giá dầu thế giới sắp bước vào đợt đại suy thoái mới?
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

 * Các sàn bất động sản khởi động sớm

* Hàng loạt sai phạm tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

* Giá dầu thế giới sắp bước vào đợt đại suy thoái mới?

* Tân vương Saudi Arabia gây sốt khi phát không 32 tỷ USD cho dân

* Những vụ mua bán hàng "bao tải" tiền lẻ, tiền xu khổng lồ

Một cuộc chiến giá dầu thế giới lần thứ hai chỉ trong vài tháng kể từ cuối tháng 11.2014 đã gần như là một điều không thể tránh khỏi ở thời điểm hiện tại. Mỹ đang quay trở lại cuộc đấu tay ba với một dáng vẻ hùng hổ nhất khi ngành khai thác dầu đá phiến nước này đã thay đổi chiến lược một cách triệt để và đang đạt được sản lượng cao nhất trong lịch sử ngành lửa nước này.
 
Trong khi đó Nga, vốn không hề bị suy yếu sau khi đợt đọ sức thứ nhất kết thúc, cũng đang lấn sân sang thị trường Châu Á để mở rộng thị phần. Tổng sản lượng dầu khai thác của bộ tam OPEC – Mỹ  – Nga không những không giảm mà còn đang tăng lên với tốc độ đáng kể. Trong bối cảnh ấy, không khó để các chuyên gia hiểu rằng một cuộc đọ sức nữa trên thị trường dầu là gần như sẽ xảy ra, và giá dầu đang sụt giảm cũng đang là những dấu hiệu đầu tiên cho cuộc chiến quyết liệt ấy.
 
Nhưng, cục diện trong lần đọ sức thứ hai này có vẻ như đang không giống với lần đầu tiên. Trong ba đấu thủ của lần đọ sức đầu tiên, Mỹ là người yếu thế nhất khi các hãng dầu đá phiến với chi phí khai thác cao hơn hẳn so với loại dầu thường là điểm yếu chết người của ngành dầu lửa nước này.
 
Không chịu nổi một đợt sụt giá dầu kéo dài, hàng loạt các hãng dầu của Mỹ phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng mà đa phần trong số đó là các hãng khai thác dầu đá phiến. Với sự thoái lui của các hãng dầu đá phiến Mỹ, giá dầu lập tức hồi phục khi duy trì ở mức 60 USD/thùng trong một thời gian đáng kể. 
 
Nhưng còn quá sớm để cho rằng người Mỹ bỏ cuộc, các hãng dầu phiến Mỹ nhanh chóng thay đổi chiến lược, bằng cách tập trung khai thác các giếng dầu có trữ lượng lớn thay vì khai thác tràn lan như trước, giá thành khai thác đã giảm đáng kể khi một giếng có thể cho khai thác trong vòng ít nhất là 3 năm thay vì 1 năm như trước do giảm chi phí khoan nhiều lần. Sản lượng dầu phiến của Mỹ vì thế đang tăng lên đáng kể, với giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều.
 
So sánh tình thế ở thời điểm hiện tại, OPEC với người đứng đầu là Arab Saudi mới là những người yếu thế nhất. Nếu như lần trước Nga đã phải chịu cú khủng hoảng kép từ việc giá dầu giảm và lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và suýt nữa đối mặt với một sự sụp đổ về kinh tế, thì giờ đến lượt Saudi lãnh đủ. Có lẽ suốt từ khi lập quốc đến nay, Arab Saudi mới lâm vào một tình thế nguy hiểm như thời điểm hiện tại. 
 
Sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo IS và cuộc chiếm quyền của lực lượng quân sự thân Iran ở nước láng giềng Yemen đang khiến cho Arab Saudi rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch. Nếu như quân IS đang làm mưa làm gió và đe dọa biên giới phía Tây Bắc của Saudi thì lực lượng quân sự đối lập ở Yemen đã chiếm được thủ đô và có thể chĩa nòng súng vào Saudi bất cứ lúc nào.
 
Nếu như nhà nước Hồi giáo IS là một thế lực mới nổi và đe dọa hất đổ tất cả các thiết chế hiện tại của các nhà nước Trung Đông trong đó có Arab Saudi, thì Yemen lại là một vấn đề nhức nhối cho mọi thế hệ nhà vua cầm quyền ở Saudi.
 
Đất nước láng giềng Yemen gần như đã trở thành một địch thủ truyền kiếp của Saudi kể từ ngày lập quốc, lời trăn trối cuối cùng của Ibn Saud – người sáng lập ra Arab Saudi – cho con cháu là đừng bao giờ để vuột Yemen ra khỏi bàn tay mình. 
 
Trong hai nước láng giềng phía Nam thì ngoại trừ Oman luôn giữ thế trung lập, thì Yemen là nước duy nhất có thể đâm sau lưng Arab Saudi, nhất là khi những người lãnh đạo Saudi luôn không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để chèn ép nước láng giềng này về chính trị và lãnh thổ. Một lượng khá lớn diện tích hiện tại của lãnh thổ Saudi có được là nhờ tước đoạt của Yemen bằng các thủ đoạn và mánh khóe chính trị trong lịch sử, và người Yemen thì gần như chưa bao giờ quên điều ấy. 
 
Giới phân tích nhận định, khoản chi phí mà Arab Saudi phải bỏ ra trong thời gian tới để giải quyết tình hình quân sự ở Yemen và nhà nước Hồi giáo IS là không hề nhỏ chút nào, và thậm chí còn chưa biết đến khi nào hai mối đe dọa này mới chấm dứt. Yemen và IS vì thế đang là hai vết thương sẽ còn khiến sức lực và tiền bạc của Arab Saudi không ngừng chảy ra trong thời gian tới.
 
Không chỉ có các vấn đề bên ngoài, mà bản thân trong nội bộ của Arab Saudi cũng đang có vấn đề nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng, việc quốc vương Abdulaziz qua đời vào cuối tháng 1.2015 là một vết rạn nguy hiểm trong nội bộ vương quốc giàu có này.
 
Việc tân quốc vương Salman nhanh chóng chỉ định em trai là Muqrin làm người kế vị sau khi lên nhậm chức bề ngoài được coi là một sự tiếp nối truyền thống của vương quốc là chỉ định người kế vị ngai vàng khi quốc vương còn sống, nhưng các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu của những bất ổn trong mối quan hệ giữa các thành viên trong hoàng gia. 
Muqrin, người được chỉ định kế vị, là em trai cùng cha khác mẹ với vua Salman, nhưng lại tỏ ra thua sút về năng lực so với con trai của vua Salman là hoàng tử Hohammed bin Salman đang nắm giữ vị trí bộ trưởng quốc phòng ở tuổi 30. Đó là chưa kể đến Mohammed bin Nayef, bộ trưởng nội vụ và là người đứng thứ hai trong danh sách kế vị ở Saudi sau Muqrin.
 
Trong bối cảnh đang gặp nhiều vấn đề phức tạp trên nhiều mặt như thế, không khó hiểu khi Saudi đang bị đánh giá là yếu thế nhất trong cuộc đọ sức tay ba trên thị trường dầu lần thứ hai một khi nó diễn ra. Cả Nga lẫn Mỹ đều không gặp phải những vấn đề khó khăn về kinh tế ở thời điểm hiện tại và có thể dốc hết sức vào cuộc đọ sức có thể xoay chuyển cán cân quyền lực trên thị trường dầu lửa thế giới này. 
 
Bề ngoài, thì Mỹ và Nga phải chống lại tất cả các nước thành viên OPEC vốn chiếm tới 40% tổng trữ lượng dầu thế giới, nhưng trên thực tế trở ngại chính của Nga và Mỹ chỉ là Arab Saudi, thành viên quan trọng nhất của OPEC, và có lẽ chỉ thêm thành viên quan trọng thứ hai là Iraq.
 
Một khi Saudi đang lâm vào tình thế hiểm nghèo nhất về nhiều mặt ở thời điểm hiện tại, OPEC liệu có bao nhiêu cơ hội để trụ vững trước Nga và Mỹ?
 
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Bloomberg

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”