1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá đất mới ở Huế cao nhất 32,5 triệu/m2

(Dân trí) - Tại kỳ họp lần thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI vừa diễn ra từ 10-12/12 đã thông qua bảng giá đất của tỉnh áp dụng trong thời gian 5 năm (2015-2019). Theo đó, giá đất ở cao nhất tại TP Huế được điều chỉnh tăng từ 26 triệu đồng lên 32,5 triệu đồng (tăng 25%).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, bảng giá đất mới cơ bản tiệm cận với giá phổ biến trên thị trường (bằng khoảng 60-70%), phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 2013 và nằm trong khung giá đất được Chính phủ quy định.

Đối với giá đất ở: Giá đất ở đô thị tại TP Huế đường loại 1 tăng 25%, đường loại 2 tăng 20%; đường loại 3A, 3B tăng 15% do các loại đường này chưa được điều chỉnh từ năm 2010 đến nay. Các đường loại 3C, đường loại 4, đường loại 5 có mức tăng thấp hơn, chỉ tăng 10% so với năm 2014.

Trên cùng 1 đường nhưng ở các vị trí giáp ranh với các huyện, thị xã sẽ được điều chỉnh giảm xuống. Như đường Nguyễn Sinh Cung (TP Huế) giáp ranh đường thuộc xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) đã giảm chênh lệch từ 2,2 triệu đồng/m2 xuống còn 1,46 triệu đồng/m2; đường Lý Thái Tổ (TP Huế) giáp ranh đường Lý Nhân Tông (thị xã Hương Trà) giảm chênh lệch từ 1,7 triệu đồng/m2 xuống còn 1,21 triệu đồng/m2... 

Nhưng cũng có một số vị trí tiếp giáp với huyện, thị xã có điều kiện phát triển kinh tế cao được điều chỉnh tăng lên. Như đường An Dương Vương (TP Huế) giáp ranh với đường Nguyễn Tất Thành thuộc (thị xã Hương Thủy) đã tăng mức chênh lệch từ 1,6 triệu đồng/m2 lên 2,3 triệu đồng/m2.

Giá đất ở cao nhất tại TP Huế được điều chỉnh tăng từ 26 triệu đồng lên 32,5 triệu đồng (tăng 25%) nhưng chỉ bằng 50% giá tối đa theo Khung giá đất của Chính phủ quy định.

Giá đất ở tại tỉnh Thừa Thiên Huế có giá cao nhất tại TP Huế với 32,5 triệu đồng/m2

Giá đất ở tại tỉnh Thừa Thiên Huế có giá cao nhất tại TP Huế với 32,5 triệu đồng/m2

Giá đất ở tại các phường thuộc thị xã Hương Trà tăng từ 21-40%; thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) và thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) tăng 20%; các thị trấn Thuận An và Phú Đa (huyện Phú Vang) tăng 40%; thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) tăng 10%; thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) tăng 25%; thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) tăng 15%. Riêng các phường thuộc thị xã Hương Thủy chỉ tăng nhóm đường 5B (tăng 10,5%), 5C (tăng 19%).

Về giá các loại đất còn lại do không có sự biến động lớn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nên giá cơ bản kế thừa từ Bảng giá đất năm 2014. 

Ban Kinh tế và Ngân sách tỉnh cũng nhận thấy qua khảo sát thực tế tại một số tuyến đường có sự thay đổi. Như tại TP Huế, các tuyến đường tại khu quy hoạch Kiểm Huệ, Lý Thường Kiệt, Đống Đa... do được đầu tư nâng cấp khá hoàn chỉnh nên chất lượng và khả năng sinh lợi tăng cao so với trước đây. Ngược lại một số đường như Trần Hưng Đạo (loại đường 1A) thực tế có khả năng sinh lợi còn thấp hơn cả loại đường 1B, 1C, thậm chí cả đường loại 2, nên Ban đề nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu để quy hoạch, phân lại loại đường và xác định lại khung giá đất đô thị ở các địa phương thời gian tới.

Đại Dương

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”