1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gặp “ác mộng” với Covid-19, Vietnam Airlines phải mất 5 năm để bù lỗ

(Dân trí) - CEO của Vietnam Airlines cho biết, với quy mô như hiện nay, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt, các cơ chế đảm bảo thì cũng phải mất 5 năm mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.

Ảnh hưởng mạnh vì dịch bệnh, HVN vẫn tăng giá

HVN của Vietnam Airlines sáng nay tăng 2,26% lên 24.900 đồng/cổ phiếu mặc dù tổng công ty này là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Gặp “ác mộng” với Covid-19, Vietnam Airlines phải mất 5 năm để bù lỗ - 1

Vietnam Airlines đối mặt khoản lỗ trên 19.000 tỷ đồng năm 2020 (ảnh: VNA)

Trong quý 1/2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4/2020 thì Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 34% so với kế hoạch, lỗ 19.651 tỷ đồng.

Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 do Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 16/4, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, sau 2 tuần giãn cách xã hội toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn có 2-5% năng lực.

Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia được giao bay nhiều nhất với 3,3% đối với đường bay Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và một loạt các đường bay quốc tế chủ yếu là chở hàng y tế xuất khẩu…

Ông Thành cho rằng, với quy mô như hiện nay, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt, các cơ chế đảm bảo thì cũng phải mất 5 năm Vietnam Airlines mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.

Vì vậy, cũng như các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian dịch bệnh mà vấn đề trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, có ngành 1 đến 2 năm, thậm chí có ngành mất 3 đến 4 năm.

Vì vậy, các gói hỗ trợ cũng cần có lộ trình, thứ tự những ngành nào mang tính chất dẫn đường thì cần phải được ưu tiên trước. 

Hơn 450 mã tăng giá trên toàn thị trường

Tuy giao dịch không dễ dàng trong sáng cuối tuần (17/4), tuy nhiên, các chỉ số cũng đều đã đạt được trạng thái tăng điểm.

Cụ thể, VN-Index tăng 6,6 điểm tương ứng 0,85% lên 787,3 điểm; HNX-Index tăng 1,37 điểm tương ứng 1,26% lên 110,12 điểm và UPCoM-Index tăng 0,44 điểm tương ứng 0,86% lên 51,98 điểm.
Thanh khoản đạt 175,79 triệu cổ phiếu tương ứng 2.751,75 tỷ đồng trên HSX và 31,42 triệu cổ phiếu tương ứng 320,17 tỷ đồng trên HNX. Khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt 19,98 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 160,93 tỷ đồng.

Điều tích cực là sắc xanh vẫn giữ vai trò chủ đạo trong bức tranh chung của thị trường. Thống kê cả 3 sàn có 452 mã tăng giá, 72 mã tăng trần so với 228 mã giảm và 52 mã giảm sàn.

VHM tăng giá 1.100 đồng và đóng góp đáng kể trong mức tăng chung của VN-Index. Chỉ riêng mã này đã hỗ trợ VN-Index tăng 1,05 điểm. Bên cạnh đó, SAB tăng 7.900 đồng lên 165.500 đồng và đây cũng là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đối với VN-Index, đóng góp 1,44 điểm; BHN cũng tăng 2.000 đồng.

Các cổ phiếu khác như MWG tăng 1.700 đồng, ACV tăng 1.500 đồng, VJC tăng 900 đồng, PNJ tăng 900 đồng, HVN, MSN, HPG, GAS, PLX đều tăng và đã góp phần hỗ trợ chỉ số chính.

YEG sáng nay tiếp tục tăng trần 3.800 đồng lên 59.000 đồng, không có dư bán và vẫn còn dư mua giá trần. Tuy nhiên, thanh khoản tại mã này lại thấp.

Chiều ngược lại, VPB, VNM, VCB, VRE giảm giá. Tuy vậy, mức giảm tại những mã này không đáng kể nên không ảnh hưởng tới xu hướng chung của thị trường.

Theo nhận xét của BVSC, đà tăng của thị trường đang có dấu hiệu suy yếu trong những phiên gần đây nên BVSC lưu ý đến khả năng thị trường sẽ sớm gặp phải áp lực rung lắc mạnh và điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. 

Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý 1 và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng. 

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Cá nhà đầu tư tiếp tục duy trì nắm giữ vị thế hiện có và thực hiện bán chốt lời tại vùng 780- 820 điểm.

Mai Chi