1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gần 300 doanh nghiệp được “khai sinh” mỗi ngày

(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm, đã có tổng cộng hơn 1 triệu tỷ đồng vốn đăng ký được bổ sung vào nền kinh tế, tạo thêm xấp xỉ 1 triệu việc làm mới. Tuy nhiên, cũng có khoảng 47.600 doanh nghiệp đã phải đóng cửa và 7.000 doanh nghiệp buộc phá sản.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 9/2015 (kỳ tính từ 20/8 đến 20/9), cả nước có 7.042 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 44.500 tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký một doanh nghiệp đạt 6,3 tỷ đồng.

So với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 24,3%, đồng thời số vốn đăng ký cũng giảm 19,3%, tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới lại tăng 22,6%; số vốn đăng ký tăng 45,9%. Với tình hình trên, đã có 125.900 lao động được tạo việc làm mới trong tháng, giảm 3% so với tháng trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có trên 68.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 420.900 tỷ đồng. Đồng thời cũng 608.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng qua đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới gần 1 triệu người, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Nền kinh tế 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận có xấp xỉ 13.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.

“Nhìn chung, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 9 tháng năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” – Tổng cục Thống kê đánh giá.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, gần 7.000 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm nhẹ so cùng kỳ, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,5%). Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là 47.600 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Như đã đưa tin trước đó, mặc dù kinh tế 9 tháng đạt mức tăng trưởng 6,5% là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, song vấn đề giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách điều hành.

Các biến động kinh tế thế giới và khu vực thời gian gần đây tác động mạnh lên doanh nghiệp Việt. Đáng kể đó là chính sách phá giá Nhân dân tệ của Trung Quốc, trong khi đây vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, với khả năng tăng giá điện trong thời gian tới, dự kiến sẽ tăng áp lực lên chi phí đầu vào với các doanh nghiệp do chi phí điện đang chiếm từ 10-20% giá thành của các doanh nghiệp sản xuất. Những tác động này đều giảm sức cạnh tranh với hàng hóa của doanh nghiệp Việt trên thị trường.

Bích Diệp