1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Formosa nhập 400 tấn hóa chất: Bộ Công thương “đá” trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên Môi trường!?

Chiều ngày 6.5, tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương chủ trì, trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương liên quan đến sự cố cá chết bất thường tại bờ biển miền Trung, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương khẩn trương phối hợp, ngăn chặn việc tiêu thụ cá không rõ nguồn gốc.


Bộ Công Thương vào cuộc hỗ trợ ngư dân tiêu thụ cá.

Bộ Công Thương vào cuộc hỗ trợ ngư dân tiêu thụ cá.

Qua đường dây nóng được thiết lập tới các Sở Công Thương Quảng Bình và Hà Tĩnh (là 2 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng cá chết-PV), Bộ Công Thương yêu cầu hệ thống các kênh phân phối gồm các chợ, mạng lưới các siêu thị giúp ngư dân tiêu thụ cá đanh bắt trong vùng biển an toàn.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền, hiện đã có trên 90 siêu thị trên cả nước nhận tiêu thụ cá ở vùng biển miền Trung. Ông Quyền cho biết, vấn đề là vào thời điểm tâm lý thị trường còn hoang mang, e ngại khiến người sử dụng không ăn cá biển và hải sản đánh bắt từ biển, Bộ Công Thương đã huy động các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ khó khăn cho ngư dân, nhằm kết nối cung cầu hàng hóa.

Tính đến thời điểm này, ông Quyền cho biết, tâm lý thị trường đã dần hồi phục, từ ngày 29.4 đến nay, lượng cá đánh bắt tại các vùng biển miền Trung đều được tiêu thụ hết, trong đó Hà Tĩnh là khoảng 270 tấn, Quảng Bình hơn 200 tấn cá.

Trong ngày 5.5, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương xảy ra sự cố cá biển chết hàng loạt mở rộng hoạt động của các đường dây nóng, tăng lượng dự trữ cấp đông thủy hải sản, cá biển đánh bắt trong vùng biển được xác định là an toàn, khôi phục lại niềm tin của thị trường. Để việc tiêu thụ cá của ngư dân trở lại bình thường, Bộ Công Thương cũng đưa ra thông điệp “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, giúp dân tiêu thụ cá là yêu nước”.

Liên quan đến việc khẩn trương tìm ra nguyên nhân cá chết bất thường, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Sẽ không có vùng cấm trong việc xử lý các vi phạm về môi trường.

Trước đó, ngày 20-21.4, theo thông tin đã đưa, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra về vấn đề an toàn lao động, bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh, và các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Vũng Áng. Cùng thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thành lập đoàn kiểm tra tình hình xử lý môi trường tại khu vực này.

Liệu có là bất thường khi cùng lúc có nhiều đoàn kiểm tra tại Vũng Áng liên quan đến vấn đề môi trường, liệu Bộ Công Thương có gặp khó khăn gì trong việc xử lý vụ việc này, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, Formosa là khu công nghiệp rất lớn, sản xuất công nghiệp nên thuộc chức trách của Bộ Công Thương.

“Chúng tôi thực hiện kiểm tra định kỳ. Riêng Bộ Công Thương tổ chức 2 đoàn. Đoàn thứ nhất kiểm tra vận hành của Formosa có đúng theo các quy trình quy định trong lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách hay không, ví dụ về an toàn lao động, về các thiết bị xử lý môi trường... Đoàn thứ 2 kiểm tra việc sử dụng hóa chất của Formosa nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quy định, tất cả hóa chất nhập khẩu đều phải đăng ký với Bộ Công Thương, mà trực tiếp là Cục Hóa chất. Khi có xác nhận của cơ quan quản lý mới được phép nhập khẩu và khi sử dụng, doanh nghiệp cũng phải kê khai với Cục Hóa chất.

Theo số liệu được Thứ trưởng Hải công bố, riêng lĩnh vực hóa chất, qua kiểm tra cả năm 2015 và đến thời điểm tháng 5.2016, Formosa nhập 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất, số này có đăng ký và được chấp thuận nhập khẩu, sử dụng. Chỉ riêng từ đầu năm 2016, Công ty được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất. Mục đích nhập khẩu, theo căn cứ khai báo ngay từ đầu về mục đích sử dụng, là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định nước làm mát, hóa chất để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ pH...

Từ đầu năm 2016, Công ty đã sử dụng 51 tấn hóa chất và hiện nay tồn trong kho 248 tấn (Cục Hóa chất có số liệu cụ thể). Tuy nhiên, cơ quan cấp phép là Cục Hóa chất, nhưng việc quản lý sử dụng số hóa chất này có đúng mục đích hay không lại do Bộ Tài Nguyên- Môi trường quản lý.

Một câu hỏi đặt ra là: “Với việc Bộ Công Thương cho phép Formosa nhập gần 400 tấn hóa chất, thì Bộ có tính toán được hàm lượng, số lượng hóa chất Fomosa sử dụng và thải ra môi trường có mức độ an toàn đến đâu? Và lượng hóa chất mỗi năm Formosa được phép sử dụng, thải ra môi trường tác động thế nào đến bờ biển Hà Tĩnh đã được tính toán chưa? Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Việc này Bộ Tài nguyên- Môi trường sẽ có câu trả lời.

Theo Hồng Quân

Lao động