1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

EVN mua Trung Quốc gần 1,6 tỷ kWh điện trong 7 tháng

(Dân trí) - Điện sản xuất của EVN chiếm tỉ trọng 43,9% tổng sản lượng 7 tháng đầu năm của Tập đoàn, còn lại phải mua ngoài. Điện mua Trung Quốc đạt 1.571 triệu kWh, mức giá mua hiện nay là 1.300 đồng/kWh.

Riêng tháng 7, điện sản xuất của EVN chiếm 53,5%, cao hơn mức trung bình 7 tháng là 43,9%.
Riêng tháng 7, điện sản xuất của EVN chiếm 53,5%, cao hơn mức trung bình 7 tháng là 43,9%.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo kết quả hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh điện tháng 7/2012.

Tập đoàn cho biết trong tháng 7, EVN đã cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của nhân dân và phục vụ sản xuất, cấp điện an toàn, liên tục phục vụ các đợt thi đại học, cao đẳng. 

Cụ thể, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 10,66 tỷ kWh, sản lượng điện trung bình đạt 343,8 triệu kWh/ngày. Sản lượng cao nhất đạt 373,3 triệu kWh (vào ngày 17/7), công suất cao nhất đạt 17.985 MW (vào ngày 18/7).

Tháng 7, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 10,38 tỷ kWh, trong đó điện sản xuất 5,55 tỷ kWh, chiếm 53,5%. 

Lũy kế 7 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 69,1 tỷ kWh, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó điện sản xuất là 30,3 tỷ kWh chiếm 43,9%, điện mua 36,78 tỷ kWh, mua của Trung Quốc 1.571 triệu kWh.

Tháng 7/2012, điện thương phẩm ước đạt 9,19 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng năm 2012,  điện thương phẩm ước đạt 59,73 tỷ kWh, tăng 12,19% so với cùng kỳ năm 2011. 

Điện thương phẩm nội địa tăng 12,21%, trong đó điện cho công nghiệp và xây dựng tăng 11,17%, thương mại - dịch vụ tăng 17,66%, quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 12,74%.

Tháng 8/2012, dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 348 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 19.000 - 19.300 MW.

Về đầu tư xây dựng, trong tháng 7, EVN đã hạ thành công rotor TM6 thủy điện Sơn La, dự kiến khởi động không tải cuối tháng 8/2012 và phát điện trong tháng 9/2012. Hạ rotor TM2 thuỷ điện Kanak và dự kiến phát điện trong tháng 8/2012.

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hồi tháng 6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng từng cho biết, nếu năm ngoái, Việt Nam ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với giá 5,8 cents/kWh thì năm nay giá điện nhập khẩu từ nước này đã tăng lên 6,08 cents/kWh, tương đương khoảng 1.300 đồng/kWh.

Trong khi đó, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước chỉ ở mức 800-900 đồng/kWh, giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 1.280 - 1.300 đồng/kWh và giá mua từ điện chạy dầu đắt hơn, từ 5.500 - 6.000 đồng/kWh.

Như vậy, mức giá mà EVN bỏ ra để mua điện từ Trung Quốc đang cao hơn giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước từ 400 - 500 đồng/kWh.
Bích Diệp