1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 9.231 tỷ đồng, Bộ KHĐT trần tình về ODA Trung Quốc

Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, một trong số các dự án sử dụng vốn ODA của Trung Quốc với 2.798 tỷ nhân dân tệ là tín dụng ưu đãi Chính phủ hiện đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, đội vốn 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 9.231 tỷ đồng, Bộ KHĐT trần tình về ODA Trung Quốc - 1

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1 km, được khởi công xây dựng vào năm 2011 nhờ nguồn vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Nằm trong hệ thống Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư, có chiều dài 13,1 km, được khởi công xây dựng vào năm 2011 nhờ nguồn vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Trong báo cáo gửi tới các ĐBQH đang tham dự kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV với nội dung về các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Kiểm toán Nhà nước cho hay, tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, việc điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia được thực hiện khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Trong đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng, tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%, khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư.

Một vấn đề khác được Kiểm toán Nhà nước nhắc tới khi chia sẻ về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại của Hiệp định vay 250 triệu USD; bổ sung chi phí xây lắp tăng thêm 21,07 triệu USD do các nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công khi chưa có dự toán chi tiết.

Thậm chí, việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn, gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, dự án án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng chiếm 77% tổng mức đầu tư.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 9.231 tỷ đồng, Bộ KHĐT trần tình về ODA Trung Quốc - 2

Sau nhiều lần lỡ hẹn, đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa hẹn ngày chính thức hoạt động. (Ảnh: Internet)

Còn theo kiến nghị được cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới Quốc hội trường kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, những năm qua, phần lớn các dự án sử dụng vốn vay ODA từ Trung Quốc rơi vào tình trạng đình trệ, chậm tiến độ, đội vốn, thiết bị không đảm bảo chất lượng, làm tăng tổng mức đẩu tư, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.

Trong khi đó, điều kiện vay vốn ODA từ Trung Quốc kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam, các khoản vay ODA đều có điều kiện chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc khiến chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh. Cử tri đề nghị Chính phủ cần xem xét và cân nhắc trong việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc, đặc biệt là đối với những khoản vay kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu… để triển khai dự án.

Trước những kiến nghị của cử tri Hải Phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho hay, nguồn vốn vay từ Trung Quốc gồm 3 loại: tín dụng ưu đãi Chính phủ (ODA); tín dụng xuất khẩu ưu đãi bên mua và tín dụng thương mại.

Hiện nay, dự án có sử dụng tín dụng ưu đãi chính phủ (ODA) của Trung Quốc đang triển khai và rơi vào tình trạng chậm tiến độ, đội vốn là Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông. Dự án này sử dụng kết hợp 3 nguồn vốn: Tín dụng ưu đãi Chính phủ là 2,798 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng trên 400 triệu USD, tín dụng xuất khẩu ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của phía Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này đã trình Chính phủ Báo cáo định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó  đã phân tích, đánh giá các nguồn cung cấp vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi chủ yếu hiện nay, bao gồm: các nhà tài trợ đa phương (WB, ADB), các nhà tài trợ song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp, Đan Mạch, Hungari, Tây Ban Nha, Áo, Bỉ…); so sánh vốn vay ưu đãi (như IBRD, OCR) với các nguồn vốn do Chính phủ huy động. Với từng nguồn vốn này, Báo cáo định hướng đã có nhận định tương ứng về mặt tích cực và những tồn tại.

Nguồn vốn vay ODA và tín dụng ưu đãi vay Trung Quốc cũng được phân tích, đánh giá một cách tương tự. Cụ thể tại Báo cáo định hướng có đưa ra những điều kiện áp dụng với các khoản vay tín dụng ưu đãi, đồng thời có xác định một số tồn tại trong quá trình triển khai các khoản vay, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đó, Báo cáo khuyến nghị đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc, đồng thời cũng nhận định tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ.

Trên cơ sở báo cáo định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 06/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg về phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra định hướng trong giai đoạn 2021-2025. Thứ nhất, bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách cũng như khả năng trả nợ trong tương lai.

Thứ hai, sử dụng vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô. Cần có quá trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch thông qua xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn dự án theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Thứ ba, ưu tiên sử dụng cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ cửa quốc gia, ví dụ: các dự án giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng (giao thông, đô thị thông minh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo...), phát triển nông nghiệp thông minh (thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, điện khí hóa nông nghiệp...), kích thích các ngành hoặc hoạt động xuất khẩu, các dự án đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Thứ tư, ưu tiên các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng.

Thứ năm, ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi như là đòn bẩy, thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân, không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các dự án mà tư nhân quan tâm, có khả năng thực hiện với công nghệ hiệu quả và chi phí thấp hơn.

Thứ sáu, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư tư nhân. Giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư dự án.

Cuối cùng, ưu tiên vay về cho vay lại đối với những dự án có khả năng thu hồi vốn.

Theo Hoàng Nhật

Dân Việt