1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chưa thể vận hành, lại đến hạn... trả nợ!

(Dân trí) - 28 nhân sự Trung Quốc vừa kết thúc cách ly 14 ngày, tuy nhiên đây không phải là các nhân sự thi công nên dự án vẫn chưa thể vận hành. Trong khi đó, dự án này lại sắp tới đợt phải trả nợ vào ngày 21/7.

Trao đổi với PV Dân trí, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải - cho biết: Các  nhân sự Trung Quốc hết cách ly từ hôm nay (27/6). Trong tổng số 28 nhân sự thì có 23 nhân sự thuộc Tổng thầu và 5 người của đơn vị tư vấn giám sát.

“Hiện có tổng cộng 27 nhân sự là lãnh đạo và chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc đã có mặt tại Hà Nội, bao gồm cả Giám đốc dự án” - đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.

Đáng nói, do không phải là các nhân sự thi công, vận hành nên sau khi hết cách ly theo quy định dịch tễ, các nhân sự Tổng thầu sẽ không thể bắt tay vào việc hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật để vận hành dự án.

“Họ sẽ tập trung rà soát lại hồ sơ và đánh giá về dự án, giải quyết những thủ tục tồn đọng trong thời gian bị gián đoạn dịch Covid-19 vừa qua” - đại diện Ban Quản lý dự án cho biết và thông tin thêm: Trong tháng 7 nhân sự Tổng thầu sẽ tiếp tục sang Việt Nam, dự kiến đợt tới sẽ có đội ngũ thi công, vận hành.

Đối với tư vấn Pháp, theo Ban Quản lý dự án những thủ tục ngoại giao đang được xúc tiến nhưng hiện vẫn chưa biết chính xác khi nào đội ngũ này có thể trở lại Việt Nam. Tư vấn Pháp đóng vai trò rất quan trọng và quyết định Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận hành được hay không.  

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chưa thể vận hành, lại đến hạn... trả nợ! - 1
Thủ tướng đã chốt hạn hoàn thành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020 (ảnh: Lao động)

Trong một diễn biến khác, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết kỳ trả hạn vốn vay sắp tới của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào ngày 21/7.

Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, dự án đang vướng mắc trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nhà thầu chậm hoàn thiện công trình nên chưa đưa vào khai thác thương mại và tiếp tục thanh toán cho nhà thầu.

“Hà Nội là đơn vị trả nợ kỳ này nhưng do chưa bàn giao dự án trước 30/6 nên phát sinh vướng mắc. Bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ xử lý vướng mắc” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Được biết, Bộ Tài chính đã đề nghị có sự phối hợp giữa 3 Bộ là Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT để có báo cáo với Thủ tướng về biện pháp thanh toán nợ, đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán nợ của Chính phủ với nước ngoài.  

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.  

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và TVGS thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng “lỡ hẹn” và phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4/2019, nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn không thể đưa vào khai thác.

Hồi tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và TVGS đã cho các nhân sự thực hiện dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dự kiến sẽ trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc để hoàn thành Dự án từ ngày 1/2/2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc nên nước này không cho công dân xuất cảnh, trong khi đó Việt Nam hiện cũng chưa mở lại đường bay chở khách kết nối với Trung Quốc.

Châu Như Quỳnh