1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại gia tuần qua:

Được hậu thuẫn, Bầu Đức "bạo chi" trả nợ trước hạn

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin Công ty của bầu Đức mạnh tay chi hơn 1.700 tỷ đồng để trả nợ trước hạn thu hút được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Bên cạnh đó, diễn biến bất ngờ tại doanh nghiệp của đại gia mới làm ô tô cũng khiến không ít bạn đọc tò mò.

Em trai bầu Đức đã rút gần hết cổ phần 

Sau 3 phiên tăng giá liên tục, sáng ngày 5/7, cổ phiếu HAG của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai quay đầu giảm 0,18% còn 5.460 đồng/cổ phiếu. Tương tự HNG cũng sụt mất 0,84% còn 17.750 đồng/cổ phiếu.

Được hậu thuẫn, Bầu Đức bạo chi trả nợ trước hạn - 1

Ông Đoàn Nguyên Thu - Thành viên HĐQT Hoàng Anh Gia Lai 

Thông tin mới nhất liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai vừa được công bố, đó là ông Đoàn Nguyên Thu, em trai ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này đã bán xong 5 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai thông qua khớp lệnh qua sàn và thoả thuận. Thời gian diễn ra giao dịch này từ 19/6 đến 3/7/2019.

Sau giao dịch nói trên, em trai bầu Đức chỉ còn sở hữu vỏn vẹn 6 cổ phiếu HAG, chiếm 0% vốn điều lệ. Ông Đoàn Nguyên Thu hiện là Thành viên Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai.

Diễn biến bất ngờ tại tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng

Phiên giao dịch ngày 3/7, cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup quay đầu giảm 1.400 đồng tương ứng giảm 1,2% còn 115.800 đồng, khiến chỉ số VN-Index đánh mất 1,39 điểm trong phiên.

Liên quan đến tập đoàn này, Vingroup vừa gây bất ngờ khi quyết định ngừng tham gia quá trình đánh giá của hãng xếp hạng tín dụng Fitch - một trong 3 tổ chức xếp hạng uy tín nhất thế giới bên cạnh S&P và Moody’s, và theo đó, Fitch đã phải thông báo rút mọi xếp hạng tín nhiệm đối với Vingroup.

Fitch cho biết do không còn đủ thông tin để duy trì xếp hạng với Vingroup nên sẽ không cung cấp thông tin xếp hạng, phân tích về tập đoàn này.

Được hậu thuẫn, Bầu Đức bạo chi trả nợ trước hạn - 2

Trước đó, vào hồi tháng 10/2018, Fitch công bố kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm với Vingroup ở mức B+ song hạ triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực” trong bối cảnh tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy.

Theo Fitch, mức xếp hạng này phản ánh rủi ro cao trong hoạt động kinh doanh của Vingroup do tập đoàn vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện của VinFast, khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup từng nói với báo chí rằng, đầu tư vào lĩnh vực ô tô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là chuyện không tránh khỏi và “nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này”.

Cũng theo lãnh đạo Vingroup, việc hạ triển vọng xếp hạng không ảnh hưởng tới hình ảnh doanh nghiệp. Thực tế, Vingroup vẫn được Fitch duy trì xếp hạng ở mức B+, tỷ lệ vay trên tổng tài sản vẫn an toàn và các mảng kinh doanh khác của tập đoàn vẫn được đánh giá tích cực.

Bầu Đức chi mạnh hơn 1.700 tỷ đồng trả nợ trước hạn

HNG vừa công bố thông tin mua lại trước hạn 1.700 tỷ đồng trái phiếu từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để cơ cấu lại nợ. Theo đó, công ty nông nghiệp của bầu Đức chi ra tổng cộng hơn 1.726 tỷ đồng để mua lại số trái phiếu đã phát hành trong hai đợt vào năm 2015 và 2016.

Được hậu thuẫn, Bầu Đức bạo chi trả nợ trước hạn - 3

HAGL của bầu Đức được Thaco hỗ trợ tài chính để cơ cấu lại nợ

Cụ thể, khoản 1.394 tỷ đồng được HAGL Agrico phát hành ngày 17/11/2015 để cơ cấu lại một phần nợ gốc trái phiếu kèm chứng quyền có tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng được phát hành tháng 12/2012, với mục đích bổ sung vốn cho các dự án tại Lào và Campuchia. Khoản này được mua lại với giá 1.411 tỷ đồng.

Khoản thứ hai là 306,5 tỷ đồng được HNG phát hành ngày 27/12/2016 để cơ cấu lại nợ, thời gian đáo hạn từ 27/3/2019 đến 27/12/2020. Khoản này được mua lại với giá 315 tỷ đồng.

Trước đó, HNG cũng đã mua lại trước hạn 594 tỷ đồng trái phiếu từ VPBank để cơ cấu lại nợ với giá 625,14 tỷ đồng.

Tỷ phú Thái đứng sau loạt thương hiệu Việt vừa tăng hơn 1.000 tỷ đồng tổng tài sản

Cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hôm 4/7 tiếp tục tăng mạnh 3.000 đồng tương ứng 1,1% lên 279.000 đồng/cổ phiếu. Mã này đang tiến sát mức đỉnh giá của 1 năm giao dịch vừa qua.

Hiện tại, giá SAB đã tăng hơn 25% so với thời điểm này của một năm về trước và đã tăng gần 83.000 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng tăng giá 42,33% so với mức đáy hồi đầu tháng 8/2018 (lúc đó, SAB đã xuống dưới mốc 200.000 đồng).

Được hậu thuẫn, Bầu Đức bạo chi trả nợ trước hạn - 4

Và theo đó, tài sản của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi - ông chủ thực sự của Sabeco đã tăng 28.522 tỷ đồng so với thời điểm cổ phiếu xuống đáy của năm và tăng hơn 1.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trong phiên hôm 4/7.

Tên tuổi tỷ phú Thái Lan Charoen không còn xa lạ với người Việt Nam. Tại đây, doanh nghiệp của ông Charoen hiện diện với việc nắm cổ phần của nhiều doanh nghiệp như Sabeco, Vinamilk; MM Mega Market (trước là Metro Cash & Carry); Phú Thái, B’s Mart; khách sạn Melia Hà Nội, cao ốc văn phòng Mê Linh Point Tower…

Theo thống kê của Forbes, đến ngày 4/7/2019, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đang sở hữu 16,5 tỷ USD tài sản ròng, xếp thứ 4 Thái Lan.

Thế Hưng (tổng hợp)