1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đừng coi thường châu Âu!

(Dân trí) - Tăng trưởng, việc làm và công nghệ tương đương nhưng trợ cấp xã hội hào phóng hơn nhiều… Những điều này chính nước Mỹ mới cần phải nghiêng mình học hỏi.

Khi cuộc cải cách hệ thống chăm sóc y tế gần kết thúc cũng là lúc những lời chỉ trích dữ dội của phe bảo thủ vang lên không ngớt. Không chỉ nhóm cực đoan, thậm chí cả những người bảo thủ ôn hòa hơn cũng cảnh bảo rằng những cải cách của Obama sẽ biến nước Mỹ trở thành một nền dân chủ xã hội kiểu châu Âu.

Và ai cũng biết Châu Âu đã không còn động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều ai cũng biết ấy lại không đúng.

Châu Âu có các vấn đề về kinh tế, ai lại không chứ? Nhưng câu chuyện mà bạn vẫn nghe về một nền kinh tế nơi thuế cao và trợ cấp xã hội hào phóng làm xói mòn động lực làm việc, kìm hãm tăng trưởng và sáng tạo chẳng có mấy điểm chung với những thực tế tích cực đến đáng ngạc nhiên.

Bài học thực sự từ châu Âu ngược với những gì phe bảo thủ  thường tuyên bố: Châu Âu là một ví dụ thành công về kinh tế và thành công ấy chứng tỏ nền dân chủ xã hội đã hoạt động hiệu quả.

Thực tế, không cần có số liệu thống kê thì bằng mắt thường cũng thấy được những thành tựu kinh tế của Châu Âu. Người Mỹ nào từng đến Paris có thấy nó nghèo nàn và lạc hậu không? Còn Frankfurt và London thì sao?

Phải luôn nhớ rằng khi đặt ra câu hỏi nên tin những số liệu thống kê kinh tế chính thức hay tin chính mắt mình, thì câu trả lời là hãy tin đôi mắt của bạn. Bất luận thế nào, số  liệu thống kê vẫn xác nhận những gì mắt người trông thấy.

Đúng là kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn châu Âu trong thế hệ qua. Từ năm 1980, khi nền chính trị Mỹ chuyển mạnh sang cánh hữu nhưng Châu Âu thì không, trung bình GDP thực tế của Mỹ tăng trưởng 3%/năm.

Trong khi đó, nhóm EU 15, tức 15 nước thành viên Liên minh Châu Âu trước khi kết nạp thêm các quốc gia Cộng sản cũ, chỉ tăng trưởng 2,2%/năm. Mỹ thắng? Không, chỉ vì dân số Mỹ tăng nhanh hơn mà thôi. Kể từ năm 1980, GDP trên đầu người, thước đo tiêu chuẩn sống, đã tăng với tốc độ tương đương ở cả  Mỹ và EU 15, 1,95% và 1,83%.

Công nghệ thì sao? Cuối thập kỷ 90 có thể cho rằng cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã bỏ Châu Âu lại phía sau. Nhưng từ đó đến nay châu Âu đã bắt kịp trên nhiều phương diện. Đặc biệt là đường truyền băng thông rộng ở châu Âu cũng phổ cập không kém gì Mỹ, hơn nữa lại còn nhanh và rẻ hơn nhiều.

Việc làm thì sao? Trong lĩnh vực này Mỹ chiếm ưu thế hơn: tỷ lệ  thất nghiệp tại châu Âu thường cao hơn nhiều so với Mỹ, và tỷ lệ dân cư có việc làm thấp hơn. Nhưng nếu ai đó chỉ thấy hàng triệu người quá tuổi lao động sống dựa vào trợ cấp thì xin hãy nghĩ lại.

Năm 2008, 80% người trưởng thành có độ tuổi từ 25 đến 54 ở các nước EU 15 có việc làm (tỷ lệ này là 83% ở Pháp). Tỷ lệ này cũng tương đương với Hoa Kỳ. Người châu Âu có lẽ ít làm việc hơn khi còn ít hay đã nhiều tuổi, nhưng chuyện đó có gì xấu?

Người châu Âu làm việc cũng khá năng suất: họ làm ít giờ hơn, nhưng sản lượng trên một giờ ở Pháp và Đức gần bằng Mỹ. Châu Âu không hề là  một xã hội không tưởng. Giống như Mỹ, khối này cũng đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính.

Giống như Mỹ, các quốc gia lớn tại châu Âu cũng đang đối mặt với những vấn đề ngân sách trong dài hạn và giống như một số bang tại Mỹ, một số nước châu Âu cũng đang ngấp nghé bờ vực phá sản. (Sacramento giờ đang là Athens của nước Mỹ, thậm chí còn tồi tệ hơn.)

Nhưng hãy nhìn trong dài hạn, nền kinh tế châu Âu có hiệu quả; nó cũng tăng trưởng và nhìn chung, nó cũng năng động chẳng kém gì nước Mỹ. Vậy thì tại sao bức tranh mà nhiều học giả đưa ra lại khác đến vậy?

Nhưng những gì châu Âu đã trải qua lại chứng minh một điều ngược lại: phát triển và công bằng xã hội hoàn toàn có thể song hành.

Minh Tuấn