1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đưa ra cả một “rừng luật”, Bộ trưởng vẫn bị đại biểu dùng luật “bắt bẻ”

(Dân trí) - Từng bị đại biểu Quốc hội nhận xét việc viện dẫn quá nhiều quy định, văn bản pháp luật trong câu trả lời, song tại phiên chất vấn – trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sáng nay, ông vẫn bị đại biểu Quốc hội liên tục tranh luận xung quanh vấn đề quy định pháp luật và số liệu.

Nghị định, luật “đá nhau”

Trong phiên chất vấn chiều qua (14/6), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã tỏ ra thất vọng trước phần trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng về các dự án trọng điểm quốc gia nhưng hầu như chỉ dẫn quy định luật pháp mà chưa nêu được trách nhiệm của Bộ KHĐT và của cá nhân Bộ trưởng ở đâu.

Vị đại biểu thậm chí cho rằng cách trả lời của Bộ trưởng Dũng rất giống cách trả lời của người tiền nhiệm 3 nhiệm kỳ trước. Bà Thúy dẫn lại đánh giá của một vị đại biểu thời điểm đó, rằng “Bộ trưởng đã đưa ra cả một rừng luật, nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu”.

Hàng loạt vấn đề liên quan đến ngành KHĐT được ĐBQH đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sáng 15/6
Hàng loạt vấn đề liên quan đến ngành KHĐT được ĐBQH đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sáng 15/6

Sáng nay (15/6), đi vào giải đáp vấn đề trên, lãnh đạo ngành KHĐT cho biết, theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công chỉ có “dự án quan trọng quốc gia” chứ không có “dự án trọng điểm quốc gia”.

Cụ thể, để xác định được trách nhiệm các bộ, ngành ra sao trong các dự án này, ông nhận thấy cần phải nêu lại các quy định trách nhiệm các bộ, ngành nằm ở các quy định pháp luật nào, được nhận diện, nhận danh ra sao.

“Vì thế, trong báo cáo sơ bộ gửi tới Quốc hội chúng tôi đã nêu chi tiết các quy định pháp luật, các nghị định... quy định trách nhiệm các bộ, ngành”, ông giải thích.

Riêng về trách nhiệm Bộ KHĐT, cơ quan này có 3 chức năng: Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước; giám sát; tham mưu huy động, phân bổ vốn đầu tư cho thực hiện dự án nếu sử dụng Ngân sách Nhà nước.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ KHĐT đã thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 2. Gần đây, bộ này tiếp tục thẩm định dự án cao tốc Bắc - Nam đang được trình tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng lại không nhận được sự đồng tình của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Vị đại biểu nhận xét: “Báo cáo của Bộ trưởng gửi tới đại biểu có trích dẫn các văn bản pháp luật và viện dẫn các văn bản, nhưng phần viện dẫn cũng không đúng”.

Ngoài ra, theo bà, dự án đường cao tốc Bắc Nam phải đến ngày ngày 30/5/2017, Chính phủ mới có tờ trình Quốc hội, Quốc hội chưa thông qua thì “không thể nói Bộ Kế hoạch có trách nhiệm trong thẩm định thực hiện dự án này”.

Vị đại biểu cũng “truy” trách nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ngành KHĐT tại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hiện đã phải tạm dừng. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng đưa ra những cam kết để khắc phục những hạn chế thời gian qua.

Cũng liên quan đến phần trả lời văn bản của Bộ trưởng Dũng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho biết, báo cáo của Bộ trưởng về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư nêu đơn vị đề xuất là Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, người đứng đầu cơ quan trung ương (Bộ trưởng) và HĐND cấp tỉnh (Thường trực HĐND được ủy quyền) phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư của dự án.

Chất vấn Bộ kế hoạch: Mâu thuẫn Nghị định 136 và một số điều luật

Bà Tâm cho rằng, việc ủy quyền cho Thường trực HĐND mà Bộ trưởng dẫn ra căn cứ vào Nghị định 136 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu ủy quyền cho thường trực HĐND sẽ vi phạm 3 luật: Luật Đầu tư công, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trao đổi lại về nội dung trên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận đúng là trong Luật Đầu tư công không nêu giao cho Thường trực HĐND. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng KHĐT cho biết sẽ báo cáo Chính phủ để làm rõ xem có vi phạm luật không trên tinh thần là để tháo gỡ cho các địa phương.

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng KHĐT về vấn đề quy định pháp luật và số liệu cung cấp.
Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng KHĐT về vấn đề quy định pháp luật và số liệu cung cấp.

Số liệu không “khớp”

Ngoài ra, tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng nhận xét, số liệu về nợ công được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra trong phần trả lời không khớp với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS).

Theo báo cáo thẩm tra của UBTCNS, qua kiểm toán 30/48 địa phương, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới là trên 7.000 tỷ đồng, xây dựng nông thôn mới ở 53 tỉnh thành phát sinh nợ đọn xây dựng cơ bản là 15.000 tỷ đồng. Song, số liệu mà Bộ trưởng cung cấp thì nợ đọng xây dựng cơ bản chỉ còn 9.000 tỷ đồng, nghĩa là đã thanh toán 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học tỏ ra băn khoăn khi Luật đầu tư công không cho phép thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhiều địa phương hiện có nguồn vốn thanh toán nhưng không thanh toán được.

“Vậy cơ sở nào để thanh toán 6.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản? Nếu như có giải pháp thanh toán thì đề nghị Bộ trưởng cho biết các địa phương khác được thanh toán hay không? Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có nợ đọng xây dựng cơ bản như thế nào?”, ông Học truy vấn.

Nói rõ hơn về những con số này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, số liệu nợ đọng xây dựng nông thôn mới 15.000 tỷ đồng là từ trước 31/12/2014 nhưng đã xử lý được 6.000 tỷ đồng, còn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, sau 31/12/2014 mà các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn là vi phạm pháp luật và không được giải quyết, do đó, các địa phương phải tự cân đối để xử lý.

Còn về khoản nợ đọng xây dựng cơ bản nói chung, từ sau 31/12/2014 đã không còn ghi nhận số liệu nào từ các bộ ngành, nếu còn phát sinh là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Nhìn chung, trong phiên sáng nay, rất nhiều câu hỏi đã được đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ KHĐT và đều được ông trả lời. Tuy nhiên, theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tọa phiên họp, thì phần trả lời của Bộ trưởng vẫn còn dài. Không dưới hai lần, Chủ tịch Quốc hội đã phải nhắc Bộ trưởng “gói gọn” lại phần trả lời, đi thẳng vào vấn đề và đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc đại biểu nêu.

Bích Diệp