1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dư nợ Chính phủ đã tăng nhanh lên gần 94,3 tỷ USD

(Dân trí) - Dư nợ Chính phủ có xu hướng tăng liên tục trong những năm qua, tính đến năm 2015, dư nợ lên tới 94,3 tỷ USD, tăng 2 lần từ mức 52,5 tỷ USD vào năm 2011. Dư nợ Chính phủ so với GDP tăng lên 49,2% vào năm 2015.

(ảnh minh hoạ).
(ảnh minh hoạ).

Bản tin nợ công số 5 vừa được Bộ Tài chính công bố đã cập nhật số liệu mới nhất về nghĩa vụ trả nợ của nền kinh tế đến hết năm 2015.

Tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tính đến cuối năm 2015 đã vượt lên 61%. Tỷ lệ nợ của Chính phủ so với thu ngân sách 4 năm từ 2011 đến 2015 cũng liên tục tăng, từ 162% lên hơn 206%.

Đáng lưu ý, theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, dư nợ Chính phủ có xu hướng tăng liên tục trong những năm qua, tính đến năm 2015, dư nợ lên tới 94,3 tỷ USD (tương đương gần 2,1 triệu tỷ đồng), tăng 2 lần từ mức 52,5 tỷ USD vào năm 2011. Dư nợ Chính phủ so với GDP tăng lên 49,2% vào năm 2015.

Trong đó, nợ trong nước tăng nhanh từ 20,4 tỷ USD lên 54,6 tỷ USD và nợ nước ngoài tăng từ 32,3 tỷ USD lên mức 39,6 tỷ USD vào cuối 2015.

Trong năm 2015, tổng số tiền trả nợ của Chính phủ gấp 2,5 lần so với 2011, tương đương 13,3 tỷ USD (khoảng 288.000 tỷ đồng). Trong đó, riêng tiền trả lãi và phí trong năm 2015 3,9 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2011.

Khoản dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đã tăng lên gần 20,8 tỷ USD vào năm 2015, gấp 1,5 lần so với năm 2011. Tổng trả nợ bảo lãnh trong năm 2015 tăng đột biến lên 4,2 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2011 và gấp 1,6-1,8 lần so với những năm còn lại.

Trước đó, liên quan tới Bản tin nợ công số 5 này, trong bản báo cáo vừa gửi đại biểu Quốc hội trước thềm diễn ra kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV hồi tháng 5, cơ quan kiểm toán đánh giá, Bộ Tài chính vẫn chưa lập kịp thời báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu; theo dõi, thống kê, tổng hợp và báo cáo số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định. Điều này dẫn đến việc Bộ Tài chính tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, chính quyền địa phương.

"Hơn nữa, mặc dù nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công nhưng nguy cơ tiềm tàng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi DNNN thua lỗ, không trả được nợ", Kiểm toán Nhà nước lưu ý.

Về con số nợ công, thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 5, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho biết, dù tỷ lệ nợ công chưa chạm trần 65% nhưng ông lo ngại, với tình hình như hiện nay thì nợ công có thể chạm trần bất cứ lúc nào.

Theo đó, chỉ tiêu GDP năm 2015 đặt ra là 4,5 triệu tỷ đồng nhưng chỉ đạt 4,1 triệu tỷ đồng; sang năm 2016 đặt mục tiêu 5,2 triệu tỷ đồng nhưng lại chỉ đạt 4,6 triệu tỷ đồng. Số tuyệt đối nợ công tăng lên trong khi số tuyệt đối GDP lại tăng không như kỳ vọng, do vậy, vị đại biểu đánh giá, tỷ lệ nợ công là rất đáng lo ngại.

Phương Dung