1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TP.HCM

Dự án công viên triệu đô thành nơi chăn thả trâu bò

(Dân trí) - Dự án Công viên Sài Gòn Safari được cấp phép xây dựng từ năm 2004. Tuy nhiên 12 năm qua, công viên khu du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vẫn như vùng đất hoang cho trâu, bò “khám phá” khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc.

Dự án để… trâu bò nghỉ mát

Dự án Công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư được cấp giấy phép để thực hiện từ năm 2004. Sài Gòn Safari nằm trên 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, với diện tích hơn 485 ha. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này là 500 triệu USD.

Dự án công viên triệu đô thành nơi chăn thả trâu bò - 1

Sài Gòn Safari thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm TPHCM khoảng 50 km. Nhiều khu chức năng dự kiến được triển khai tại dự án như: khu thả thú bán hoang dã, dự kiến thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới; khu trưng bày thú mở bao gồm hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm; các công trình dịch vụ khác phục vụ du khách như biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi…

​Nhiều trâu được chăn thả trong công viên Safari
​Nhiều trâu được chăn thả trong công viên Safari

Theo kế hoạch, Sài Gòn Safari sẽ nuôi dưỡng khoảng 300 loài động vật với khoảng 10.000 con, 3.000 loài thực vật.

Với số vốn đầu tư khổng lồ, Công viên Sài Gòn Safari được kỳ vọng sẽ trở thành công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau 12 năm được cấp phép, dự án này hoàn toàn không được như mong đợi mà thậm chí còn “đi thụt lùi”, trở thành những “cánh đồng hoang” bất tận.


Những vũng chứa nước bị cạn khô, nứt nẻ

Những vũng chứa nước bị cạn khô, nứt nẻ

Theo ghi nhận của PV, hiện tại, Công viên Sài Gòn Safari đang bị “hoang hóa”, chỗ thì cỏ mọc um tùm, chỗ thì khô khốc, xác xơ. Nhiều vũng chứa nước trong công viên đã cạn khô, đất thì bắt đầu nứt nẻ.

Một số hộ dân gần dự án đã dựng hàng rào, chuồng trại sơ sài trong đất dự án để nhốt trâu, bò. Đồng thời, trâu bò cũng được cột dưới những gốc cây lâu năm để nằm nghỉ mát. Ngoài ra, trong công viên có rất nhiều khu vực cỏ cây mọc um tùm chẳng khác gì “rừng nguyên sinh”. Nhiều chỗ cây còn chết khô mà chưa được dọn dẹp.

Tại “trụ sở” của công viên thì chỉ có khoảng 10 nhân viên đang làm việc. Công việc hiện tại của họ là trồng hoa và nuôi dê. Ông L.T.H. (55 tuổi, đang làm việc trong công viên), cho biết: “Trâu, bò ngoài kia là của dân thả. Công ty chỉ nuôi thú và trồng hoa. Mọi thông tin khác tôi không thể cung cấp được”.

Dê được Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn nuôi tại dự án Safari
Dê được Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn nuôi tại dự án Safari

Nhiều người dân tại đây, đặc biệt là những người có đất nằm trong khu vực giải tỏa vô cùng bức xúc khi đất đai của mình bị thu hồi, không thể tiếp tục canh tác trong khi dự án thì vẫn bị “treo”.

“Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc thúc đẩy tiến độ của dự án đang “ngủ quên” này nhằm kịp thời ngăn chặn việc hàng trăm héc ta đất bị bỏ hoang, lãng phí đáng tiếc”, một người dân từng phải di dời đi nơi khác, nhường đất cho dự án nói.

Dự án công viên triệu đô thành nơi chăn thả trâu bò - 5
Những bụi cỏ, cây mọc um tùm trong công viên
Những bụi cỏ, cây mọc um tùm trong công viên

Dự án “khủng” có cơ hội hồi sinh!

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nguyên nhân khiến Sài Gòn Safari “bất động” bởi công tác giải phóng mặt bằng quá chậm. Ngoài ra chưa tìm được đối tác thích hợp với nguồn lực tài chính đủ mạnh. Trong đó khâu yếu nhất là tài chính, nên hiện nay nếu tìm nguồn tài chính khả thi là dự án có thể triển khai ngay vì mọi thứ đã sẵn sàng.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, từ năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất nhưng đến nay dự án vẫn chậm triển khai, dẫn đến có tình trạng tái lấn chiếm. Huyện rất mong muốn dự án sớm hoàn thành để tránh gây lãng phí quỹ đất đã thu hồi của người dân.

Những chuồng trại đơn sơ được người dân dựng trong công viên để nhốt bò
Những chuồng trại đơn sơ được người dân dựng trong công viên để nhốt bò

Ngày 18/2, tại cuộc làm việc với chính quyền huyện Củ Chi, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo lãnh đạo TPHCM phải có mọi biện pháp xử lý quyết liệt các dự án còn treo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đối với dự án 500 triệu USD Safari Củ Chi, ông Thăng ra “tối hậu thư" phải đạt được những tiến triển nhất định trong 6 tháng tới.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, để “giải thoát” cho dự án trên, ITPC đã mời các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Sài Gòn Safari.

Nhiều người hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Đinh La Thăng và việc nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới dự án, công viên Sài Gòn Safari sẽ sớm “thức giấc”.

Bài: Công Quang
Ảnh: Thanh Vĩnh

Dự án công viên triệu đô thành nơi chăn thả trâu bò - 8