1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đồng Tháp mở rộng cửa "rước" nhà đầu tư

(Dân trí) - UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố nhiều dự án về kinh tế cửa khẩu, du lịch, trái cây... để kêu gọi nhà đầu tư. Đồng thời, để thu hút cũng như "cột chân" nhà đầu tư ở lại với địa phương, chính quyền tỉnh này đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Ngày 9/12, tại TPHCM, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí nhằm thông tin về chương trình Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 với chủ đề “Đồng Tháp tiềm năng của chúng tôi, cơ hội của bạn” diễn ra tại thành phố Cao Lãnh từ ngày 18 - 19/12.

Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Trong năm 2016 toàn tỉnh có 4.200 doanh nghiệp. Tính đến tháng 10/2017, tỉnh Đồng Tháp có 447 doanh nghiệp mới được thành lập và có vốn đăng ký là 2.698 tỷ đồng.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí nhằm thông tin về chương trình Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017
UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí nhằm thông tin về chương trình Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017

Bên cạnh đó, hiện tỉnh Đồng Tháp có 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 205 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của tỉnh Đồng Tháp ước tính 835 triệu USD và 388 triệu USD cho nhập khẩu. Đối với hoạt động thương mại, Đồng Tháp đã xuất khẩu đi các nước châu Á chiếm 40%, châu Úc và Phi chiếm 6%, châu Âu 14%, châu Mỹ chiếm 40%.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương này là thủy sản đông lạnh, bánh phồng tôm, sản phẩm may mặc, sản phẩm giày da, dược phẩm, sản phẩm lọc gió, lọc nhớt, hạt sen, củ ấu và trái cây...

Đối với ngành công nghiệp, lĩnh vực chế biến nông thủy sản vẫn đứng đầu khi chiếm tới 90% tổng sản lượng của ngành. Cụ thể, thủy sản có 20 doanh nghiệp và đạt được 429.220 tấn/năm; chế biến gạo có 600 doanh nghiệp và được 2 triệu tấn gạo; chế biến thức ăn chăn nuôi có 25 doanh nghiệp và đạt được 3,2 triệu tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thừa nhận tỉnh nhà vẫn còn hạn chế về giao thông vì hệ thống sông rạch còn nhiều. Tuy nhiên, với sự đầu tư không ngừng thời gian qua, Đồng Tháp đang "lột xác" khi hiện nay có 3 tuyến quốc lộ chính. Trong đó, tuyến quốc lộ 54 (chạy theo sông Hậu kết nối Vĩnh Long và Trà Vinh) và quốc lộ 80 (chạy theo sông Tiền kết nối với Vĩnh Long) đã được đầu tư cơ bản. Còn tuyến quốc lộ 30 vẫn đang hoàn thiện.

Tỉnh Đồng Tháp đang trong quá trình kêu gọi đầu tư tuyến đường cao tốc để kết nối cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh. Từ đó, kết nối TP. Cao Lãnh với Quốc lộ 1A và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các dự án như: Khu Kinh tế Cửa khẩu; Khu đất kêu gọi đầu tư tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Vườn Quốc gia Tràm Chim; Khu công nghiệp Tân Kiều; Cụm công nghiệp Trường Xuân; Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch Đồng Sen; chợ đầu mối trái cây, Làng bè Bình Thạnh; Khu công nghiệp Sa Đéc; Cồn Đông Giang, Làng hoa kiểng Sa Đéc...

Đồng Tháp có lợi thế là địa phương sở hữu nhiều loại trái cây đặc sản
Đồng Tháp có lợi thế là địa phương sở hữu nhiều loại trái cây đặc sản

Để thu hút nhà đầu tư đến với địa phương, tỉnh Đồng Tháp sẽ giành nhiều chính sách ưu đãi, miễn thuế ở khu vực 1 (gồm có huyện Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng, Hồng Ngự và Thị xã Hồng Ngự) cho các nhà đầu tư...

Tại khu vực 3 (gồm có TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc), tỉnh Đồng Tháp sẽ ưu đãi cho các nhà đầu tư theo từng ngành nghề quy định. Tuy nhiên, đối với các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và mỗi trường hợp, tỉnh Đồng Tháp sẽ miễn tiền thuê đất đối với nhà đầu tư; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 10%; miễn 4 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và được hỗ trợ 30% - 50% chi phí bồi thường.

Quế Sơn