1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đối tác từ chối nhận hoa hồng, tài sản Vinafood II tăng 62 tỷ đồng

Sau khi trúng gói thầu 800.000 tấn gạo với Philippines, Vinafood II và các doanh nghiệp Việt Nam quyết định chi 4,5 USD/tấn chi phí hoa hồng cho đơn vị nhập khẩu. Tuy nhiên, phía đối tác đã từ chối nhận khoản này.


Phía đối tác từ chối nhận hoa hồng, tài sản Vinafood II tăng thêm 62 tỷ đồng.

Phía đối tác từ chối nhận hoa hồng, tài sản Vinafood II tăng thêm 62 tỷ đồng.

Trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) kể lại, gói thầu 800.000 tấn cung cấp gạo cho Philippines ngày 15.4.2014 là “phi vụ” đầu tiên ông tham gia với tư cách là đại diện doanh nghiệp, một ngày sau khi ông chuyển công tác từ tỉnh An Giang về Vinafood II.

Tại thời điểm thắng thầu, giá lúa gạo trong nước rất tốt, gói thầu cũng được kỳ vọng giúp tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân cho nông dân. Do đó, đại diện Vinafood II và các doanh nghiệp tham gia gói thầu quyết định chi 4,5 USD/tấn tiền hoa hồng cho phía đối tác.

Tuy nhiên, sau đó, giá lúa trong nước tăng cao khiến việc thực hiện gói thầu dẫn tới thua lỗ đậm. Đến tháng 3.2015, đối tác từ phía Philippines có công văn chính thức từ chối nhận khoản tiền hoa hồng cho gói thầu này.

Thời điểm này, kiểm toán nhà nước đang làm việc với Vinafood II để định giá lại giá trị doanh nghiệp, theo yêu cầu của Chính Phủ. Do đó, phía kiểm toán đã yêu cầu công khai khoản tiền này để cộng vào giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cái khó là sau khi phía đối tác từ chối thì doanh nghiệp cũng chưa biết xử lý thế nào, vì phải xin ý kiến Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Bộ Công Thương… và hơn 100 doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp đồng.

Cuối cùng, Vinafood II là một trong những doanh nghiệp thực hiện hợp đồng với khối lượng lớn nên được nhận về khoản tiền 2,8 USD/tấn. Sau đó, nhận thêm 1,5 USD/tấn. Tổng cộng, sau kiểm toán, Vinafood II có thêm 62 tỷ đồng từ tiền hoa hồng do phía đối tác từ chối.

Ông Năng cũng cho rằng, Tổng công ty Lương thực miền Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trong năm 2016, cả sản lượng lẫn doanh số xuất khẩu gạo giảm rất sâu, do tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Năng cho rằng, cùng với tái cơ cấu tài chính, chiến lược chi phí thấp đã mang lại hiệu quả bước đầu cho doanh nghiệp. Kết thúc năm 2016, lợi nhuận tổng hợp của khối công ty mẹ đạt 171 tỷ.

“Dẫu vậy, cũng không gì vui vì lợi nhuận này thuộc nhóm không bền vững. Nhưng trong điều kiện Tổng Công ty còn nhiều khó khăn, giữ được trạng thái cân bằng và có lời chút đỉnh như vậy là cũng tạm chấp nhận được” - ông Năng nhìn nhận.

Theo: Thuận Hải

Dân Việt