1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đối tác Trung Quốc của Geleximco trong dự án nhiệt điện tỷ USD thực chất là ai?

(Dân trí) - Đối tác cùng Geleximco đề xuất thực hiện một số dự án nhiệt điện tại Việt Nam là Công ty Hongkong United Investor có cổ đông chính là Tập đoàn năng lượng KAIDI Dương Quang, Trung Quốc. Hai đã có mối quan hệ làm ăn tương đối lâu dài và khá hiểu biết về nhau.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Liên doanh muốn làm nhiệt điện tỷ USD

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến về việc liên danh Tập đoàn Geleximco - Cty TNHH Hồng Kông United (HUI) đề xuất tham gia một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công - tư).

Theo văn bản của Bộ Công Thương, trước đó, ngày 31/7/2017, liên danh Geleximco - Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) có văn bản đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho đầu tư 5 dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I, Quỳnh Lập II, Quảng Trạch I, Quảng Trạch II và Hải Phòng III. Hình thức đầu tư theo PPP, trong đó liên danh đầu tư góp 75%-80% vốn.

Lần thứ hai vào ngày 16/10/2017, liên danh này tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I và Quảng Trạch II. Tại lần đề xuất riêng cho dự án Quỳnh Lập I và Quảng Trạch II, phương án tài chính được đưa ra là liên danh sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn vay thương mại quốc tế không cần bảo lãnh Chính phủ.

Theo báo cáo đề xuất đầu tư Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I, các ngân hàng Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Eximbank Trung Quốc đã có thư quan tâm đề xuất tài trợ vốn cho dự án với tỉ lệ lên đến 80% với lãi suất 3,5% + lãi suất LIBOR USD 6 tháng.

Đánh giá bước đầu của Bộ Công Thương cho biết, Geleximco đã có báo cáo bổ sung dòng tiền, theo đó vốn chủ sở hữu Geleximco thu từ các dự án xây dựng có thể lên tới 15.731 tỷ đồng. Tuy nhiên, Geleximco lại không cung cấp thông tin tài chính của đối tác liên danh là HUI mà chỉ đưa báo cáo tài chính các năm 2014-2016 của KAIDI Dương Quang - cổ đông chính của HUI.

Theo giải trình của Geleximco, HUI được thành lập năm 2016 nên tới nay chưa có báo cáo tài chính 3 năm theo yêu cầu. Năng lực tài chính của HUI được hiểu là năng lực tài chính của cổ đông chính là KAIDI Dương Quang.

Không chỉ là nhiệt điện

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Geleximco cùng với đối tác HUI đề xuất thực hiện các dự án tại Việt Nam. Theo thông tin từ Geleximco, Liên danh Geleximco và HUI cũng đã đề xuất lên Chính phủ để tham gia một số dự án lớn với tổng chi phí dự kiến có thể lên tới gần 15 tỷ USD, trong đó có dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, HUI là một doanh nghiệp của Hồng Kông mới được thành lập ngày 15/1/2016, có trụ sở tại một căn hộ tại đường Queen, Central, Hồng Kông. Để đầu tư ở Việt Nam, công ty này đã thành lập Công ty TNHH MTV Hong Kong United Investors Holding Việt Nam (HUI Việt Nam) vào ngày 15/8/2016.

HUI Việt Nam có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng hoạt động trong các lĩnh vực chính bao gồm: chuyên ngành xây dựng, đường sắt, đường bộ và hoàn thiện các công trình xây dựng.

Trao đổi với Dân trí tại thời điểm đó, ông chủ Geleximco – đại gia Vũ Văn Tiền khẳng định, HUI là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và có mối quan hệ tốt, được tài trợ vốn từ các công ty quản lý quỹ đầu tư tài chính lớn của Hồng Kông như Huarong Oversea Investment; China Minsheng Financial; China Orient Asset Management International...

Đối tác Trung Quốc thực sự là ai?

Mặc dù là pháp nhân mới thành lập nhưng đứng đằng sau HUI chính là Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc). HUI là công ty được KAIDI thành lập để huy động vốn đầu tư vào các dự án lớn trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Về dòng tiền vốn chủ sở hữu của HUI được thu xếp bởi KAIDI - cũng chính là cổ đông lớn nhất của HUI.

Geleximco với tập đoàn Trung Quốc này đã có mối quan hệ làm ăn tương đối lâu dài, do đó có thể nói hai bên khá hiểu biết về nhau và có quan hệ qua lại.

Tập đoàn KAIDI Dương Quang là đối tác thực hiện nhiều dự án năng lượng trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2009, KAIDI cũng đã được lựa chọn là tổng thầu và khởi công nhà máy nhiệt điện Mạo Khê - Quảng Ninh (do KTV làm chủ đầu tư). Đây là dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam và đã đi vào vận hành từ tháng 4/2013.

Năm 2014, Geleximco cũng tiếp tục kết hợp với KAIDI xây dựng nhiệt điện Thăng Long tại Quảng Ninh, dự kiến vận hành tổ máy số 1 vào quý II/2018.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco cho rằng: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề gọi vốn từ nước nào mà quan trọng là hợp tác với đối tác nào…”

Vấn việc coi năng lực của cổ đông chính KAIDI là năng lực chính của HUI, đại diện Geleximco cho rằng, năng lực của doanh nghiệp phần lớn được quyết định bởi năng lực của nhóm cổ đông chính.

“Bên cạnh đó, việc lập pháp nhân để thực hiện các dự án là điều bình thường, phố biến; thứ ba việc đầu tư vào các dự án điện độc lập, không có bảo lãnh của Chính phủ thì Geleximco phải chọn các đối tác có đủ năng lực bởi nếu dự án không được triển khai như cam kết thì dự án sẽ bị thu hồi, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt vì đầu tư bằng vốn của mình”, đại diện Geleximco nói.

Phía Geleximco cho rằng, liên danh có đầy đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai không chậm trễ nếu được giao thực hiện các dự án Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 2 cũng như các dự án khác mà liên danh đã đăng ký.

Trước những lo ngại về việc chậm tiến độ, đội vốn của các dự án có do nhà thầu Trung Quốc thi công, đại diện Geleximco đồng tình rằng điều đó là một thực tế đáng lo ngại, không phải không nhận thức được.

"Nhưng cũng cần nhìn nhận, đó hầu hết là các dự án dùng vốn ngân sách. Không phải vấn đề Trung Quốc, nhiều dự án vốn ngân sách xảy ra tình trạng tương tự ngay cả khi nhà thầu là từ châu Âu. Điều quan trọng là phải chọn đúng đối tác có năng lực. Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi phải tính toán rất kỹ về hiệu quả vì nếu chọn sai đối tác, không triển khai được dự án thì không ai chịu thiệt hại cho mình cả. Chúng tôi bỏ vốn của mình đề đầu tư, không yêu cầu bảo lãnh từ Ngân sách, chúng tôi phải là người lo đầu tiên", đại diện Geleximco nói.

Phương Dung

Đối tác Trung Quốc của Geleximco trong dự án nhiệt điện tỷ USD thực chất là ai? - 2