1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc:

Đổi mới cũng không giúp chứng khoán ngóc đầu

(Dân trí) - Bất chấp những đổi mới về chính sách suốt từ tháng 10/2011 đến nay, chứng khoán Trung Quốc cũng không thể thoát khỏi chuỗi ngày èo uột kéo dài suốt 2 năm nay.

Kể từ khi ông Guo Shuqing được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu Ủy ban chứng khoán Trung Quốc (CSRC) hồi tháng 10 năm ngoái, các nhà đầu tư đã hy vọng rất nhiều rằng nhà cải cách nhiệt huyết này sẽ giúp thị trường chấm dứt 2 năm giảm điểm liên tiếp. Quả thực vị lãnh đạo mới rất nhiệt huyết chỉ có điều thị trường chẳng mấy thay đổi.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang vô cùng ảm đạm (Ảnh: Internet)
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang vô cùng ảm đạm (Ảnh: Internet)

Hầu như không tuần nào người ta không nghe những thông báo về cải tổ, phương pháp mới từ phía cơ quan quản lý. Mới đây nhất CSRC đã ra thông báo về dự thảo quy chế khuyến khích các công ty niêm yết mua lại cổ phiếu và dùng cổ phiếu này để trả lương, thưởng cho người lao động ở mức tối đa 30%.

Bên cạnh đó cơ quan này còn có dự định hủy niêm yết bớt những công ty có giá trị vốn hóa nhỏ nhưng cổ phiếu liên tục mất giá để “làm sạch” thị trường. Cũng chính cơ quan này ra thông báo giảm mức phí giao dịch để lôi kéo nhà đầu tư. Tiếc rằng thị trường chỉ khẽ nhích lên sau mỗi lần có thay đổi rồi lại chìm xuống. Kể từ khi ông Guo nhậm chức đến nay chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 14%.

Còn quá sớm để nói rằng những nỗ lực của ông Guo đã thất bại. Về lâu dài các nhà phân tích cho rằng chương trình cải cách của ông sẽ giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ có nền tảng vững chắc hơn, giúp đảm bảo đây sẽ trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, trực tiếp cho một nền kinh tế đã lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên trong ngắn hạn vấn đề không nằm ở chính sách mà đó chính là sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Chỉ cần nhìn vào kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của các doanh nghiệp, có thể hiểu được vì sao thị trường chứng khoán lại èo uột đến vậy. “Kể từ đầu năm đến nay dự báo về doanh thu của các công ty liên tục bị điều chỉnh theo hướng giảm xuống”, Ivy Pan, nhà phân tích của ngân hàng ABN Amro viết trong bản báo cáo mới đây.

Theo dữ liệu của cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, lợi nhuận của các nhóm ngành công nghiệp đã giảm 2,2% trong 6 tháng đầu năm, sụt mạnh so với mức tăng trưởng 29% cùng kỳ năm ngoái. Để cứu nguy cho nền kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu nới lòng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất đến 2 lần đồng thời khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay các dự án hạ tầng.

Thế nhưng so với cuối năm 2008 khi nước này công bố gói kích thích khổng lồ, lần này các gói giải cứu được tung ra một cách thận trọng hơn, khiến thanh khoản thị trường vẫn căng cứng. Với sức khỏe của các doanh nghiệp đã yếu sẵn lại thêm sự hỗ trợ không đủ mạnh về chính sách, việc thị trường chứng khoán có thể hồi sinh trong năm nay sẽ là bất ngờ lớn và đi ngược lại những yếu tố nền tảng của nền kinh tế.

Về phần mình, không phải biện pháp cải tổ nào của vị chủ tịch CSRC cũng được đánh giá cao. Hiện không ít nhà phân tích cùng các doanh nghiệp đang phản ứng mạnh mẽ trước kế hoạch hủy niêm yết của các công ty yếu để “làm sạch” thị trường.

Hiện kế hoạch này đang dự định áp dụng cho các cổ phiếu hạng B (cổ phiếu của các công ty Trung Quốc nhưng được giao dịch bằng ngoại tệ). Cụ thể các cổ phiếu nào có giá giao dịch dưới 1 nhân dân tệ trong 20 ngày sẽ tự động bị hủy niêm yết.

Nhưng rốt cuộc đến giờ vẫn không có mã cổ phiếu nào bị rút khỏi sàn trong khi các nhà đầu cơ lại tận dụng sự thiếu sót của chính sách để mua gom những cổ phiếu bị giảm giá mạnh vì có nguy cơ bị xóa tên. Đơn cử như cổ phiếu của Tsann Kuen (China) Enterprise Co Ltd, một công ty sản xuất điện tử nhỏ đã có khối lượng giao dịch lên tới 7,8 triệu đơn vị ngay trước ngày dự kiến bị hủy niêm yết, tăng 10 lần so với ngày trước đó là cao gấp 5 lần khối lượng giao dịch bình quân..

Các thành viên trên thị trường cho rằng sự thiếu nhất quán của chính sách đã biến thị trường cổ phiếu hạng B trở thành sân chơi cho các nhà đầu cơ. “Nếu luật chơi không còn hiệu lực thì không ai còn muốn chơi nữa”, Zhang Qi, nhà phân tích tại công ty chứng khoán Haitong tại Thượng Hải nói trước khi khẳng định những quy định mới chỉ tạo thêm cơ hội cho các giao dịch nội gián và các hành vi thao túng thị trường.

Đầu tuần này, những tuyên bố của các sàn giao dịch Thượng Hải và Shenzhen càng khiến thị trường thêm lúng tung khi khẳng định các công ty có cổ phiếu hạng B tự nguyện hủy niêm yết sẽ dễ dàng được niêm yết trở lại với tư cách cổ phiếu hạng A.

Thực ra ý tưởng sáp nhập cổ phiếu hạng B vào cổ phiếu hạng A đã được ấp ủ từ năm 2001 khi các nhà đầu tư trong nước được tham gia thị trường nhưng đây vẫn là dự án khó khả thi. Trước hết, vẫn còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài nắm các cổ phiếu hạng B trong khi quy định hiện tại lại cấm các cá nhân nước ngoài trực tiếp sở hữu cổ phiếu hạng A.

Ngoài ra cổ phiếu hạng B ở Thượng Hải được niêm yết bằng USD còn cổ phiếu hạng B tại Shenzhen lại được niêm yết bằng đô la Hồng Kông. Trong khi cố phiếu hạng A lại được niêm yết bằng Nhân dân tệ. Khi đó việc quy đổi tỷ giá để sáp nhập các cổ phiếu hạng B vào hạng A sẽ rất phức tạp.

Cuối cùng, việc để các công ty đang èo uột trên sàn giao dịch cổ phiếu hạng B chuyển sang thành hạng A dường như đã đi ngược lại mục tiêu của CSRC là loại bỏ bớt các cổ phiếu yếu kém. Bởi vậy trong một bức thư ngỏ gửi tới CSRC mới đây, nhà đầu tư Ni Yaolong chỉ trích: “Chỉ cần vài chữ cái trong luật bị thay đổi…niềm tin của nhà đầu tư hoàn toàn suy sụp”.

Thanh Tùng
Tổng hợp