1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh số xe tải, xe khách "lao dốc", các hãng xe Việt lao đao giữa cao điểm mùa xe

(Dân trí) - Trong khi xe du lịch lắp ráp trong nước phải chật vật "đấu tay đôi" trên sân nhà với xe không thuế Thái Lan, Indonesia, thì ở một mặt trận khác, xe tải và xe khách lắp ráp tại Việt Nam lại phải đau đầu vì doanh số giảm và lượng xe tải nhập tăng mạnh.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 6/2019, tổng lượng xe tải tiêu thụ tại Việt Nam giảm hơn 3.900 chiếc, trong đó suy giảm mạnh nhất là dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn với 2.900 chiếc.

Doanh số xe tải, xe khách lao dốc, các hãng xe Việt lao đao giữa cao điểm mùa xe - 1

Doanh số xe khách, xe tải suy giảm, khiến các hãng xe lắp ráp trong nước đối diện với nhiều khó khăn, rủi ro

Tổng lượng bán ra thời điểm 6 tháng đầu năm 2019 của các loại xe tải chỉ đạt 18.120 chiếc, giảm hơn 20% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xe tải nhỏ dưới 5 tấn bán ra được hơn 9.300 chiếc, giảm 2,900 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Các loại xe tải hạng nhẹ từ 5 - 10 tấn bán ra được hơn 8.900 chiếc, giảm 700 chiếc so với cùng kỳ năm trước; xe từ 10 đến 24 tấn bán ra chỉ hơn 630 chiếc, giảm hơn 220 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự xe tải, nhóm xe khách, bus mini cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Hết 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam chỉ bán được gần 4.400 chiếc, giảm 1.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm xe này, doanh số tiêu thụ giảm nhất là xe khách từ 30 đến 55 chỗ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lượng xe này bán ra chỉ đạt hơn 1.200 chiếc, giảm hơn 900 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Dòng xe khách 10 - 16 chỗ có doanh số cao 2.900 chiếc bán ra nhưng cũng giảm gần 200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Dòng xe từ 17 - 30 chỗ có doanh số bán thấp nhất, chỉ gần 160 chiếc, suy giảm 130 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng nói là trong khi tiêu thụ xe tải và xe khách giảm, thì việc nhập các dòng xe này thời gian này về Việt Nam có xu hướng tăng. Đáng kể nhất là xe tải, qua 6 tháng năm 2019, xe tải nhập về Việt Nam đạt hơn 17.800 chiếc, tăng gấp 10 lần so với lượng xe tải nhập về cùng kỳ năm trước.

Trong số xe tải nhập về Việt Nam nhiều nhất là xe từ Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Đây là các dòng xe tải nhỏ, tầm trung cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe lắp ráp tại Việt Nam.

Hiện một doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam đủ sức cạnh tranh với nước ngoài ở phân khúc xe tải dưới 24 tấn. Nhiều ông lớn trong làng xe như Thaco, Hyundai Thành Công có tỷ lệ nội địa hóa nhiều dòng xe tải cỡ nhỏ, trung lên đến từ 70 đến 80%.

Các doanh nghiệp như lớn, liên doanh trong nước đã làm chủ được dây truyền lắp ráp các dòng xe tải, thậm chí còn cho ra đời nhiều thương hiệu riêng của Việt Nam.

Với xe khách, hiện một số doanh nghiệp xe có tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe lên đến từ 40% đến 70%, chủ yếu chỉ nhập máy, đã chủ động được khung gầm, điều hòa và hệ thống điện, ABS, nội thất...

"Với tỷ lệ nội địa hóa cao, chủ động ra thương hiệu riêng, xe tải nhỏ, trung và xe khách hạng nhỏ là nơi gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, mảnh đất kiếm lời cho các doanh nghiệp làm xe. Giá trị gia tăng nếu tỷ lệ nội địa hóa cao, giúp các doanh nghiệp sản xuất xe tải, xe khách có lãi hơn là sản xuất, lắp ráp các dòng xe du lịch", đại diện doanh nghiệp sản xuất xe ô tô tải và xe khách tại phía Nam nói.

Vị này cũng cho rằng, nếu tình trạng doanh số của thị trường xe tải, xe khách tiếp tục suy giảm thêm, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn, không thể lấy doanh số, lợi nhuận của sản xuất, lắp ráp xe tải để bù xe du lịch. Nếu kéo dài lâu, sẽ dẫn đến khủng hoảng chi phí, buộc cắt giảm sản lượng xe du lịch".

Thực tế, thị trường Việt Nam hiện nay dòng xe tải và xe khách tầm trung trở xuống từ dưới 10 tấn (xe tải) và dưới 30 chỗ ngồi (xe khách) hầu hết là phân khúc xe lắp ráp trong nước của Kia, Hyundai Trường Hải, Thaco... và không có chỗ cho dòng xe nhập khẩu cạnh tranh tại Việt Nam.

Đây cũng là dòng xe nội địa hóa tốt, đem lại lợi nhuận cho các hãng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục suy giảm doanh số, các hãng xe có thể sẽ mất lợi nhuận và gặp khó khăn thực sự. Thời gian qua, giải pháp của nhiều doanh nghiệp xe là giảm giá các dòng xe county hoặc liên kết với các doanh nghiệp vận tải, địa phương để làm xe bus nội thị các thành phố. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, hiệu quả cơ bản vẫn cao.

Nguyễn Tuyền