1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nguy cơ kiện phá giá

Tại cuộc gặp doanh nghiệp phía Nam hôm qua, 3 tham tán Việt Nam tại EU, Mỹ - những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay và tương lai - đều dự báo sự tăng trưởng lớn trong kim ngạch xuất khẩu vài năm tới, cũng như cảnh báo về những nguy cơ bị kiện phá giá đối với từng ngành hàng cụ thể.

“Từ hôm Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO (11/1), thương vụ Việt Nam tại Bỉ đã có hơn 10 lần được mời đến nói chuyện với các doanh nghiệp từ những vùng có ưu thế về đầu tư của nước này, để thông tin về những chính sách đầu tư, tình hình kinh doanh tại Việt Nam”, tham tán Việt Nam tại Bỉ và Liên minh Châu Âu (EU) Đinh Văn Hồi cho biết. Đã có 8 hội thảo giới thiệu cơ chế chính sách đầu tư vào Việt Nam tại Bỉ được tổ chức trong năm 2006.

 

Theo ông Hồi, đây là động thái cực kỳ quan trọng, chứng tỏ Việt Nam đang là thị trường mới hấp dẫn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt kể từ sau khi Việt Nam được kết nạp vào WTO. Xuất khẩu Việt Nam vào EU cũng không kém phần tăng trưởng trong xu thế hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, ông tham tán Việt Nam tại khu vực liên minh có 27 thành viên này cảnh báo doanh nghiệp trong nước cẩn trọng với nguy cơ EU sẽ khởi động vụ kiện phá giá cho các mặt hàng đồ gỗ, giày dép, đá.

 

Thông số của Thương vụ Việt Nam tại EU cho thấy, trong 2 năm 2004 - 2005, đồ gỗ Việt Nam chiếm 7% thị phần trong liên minh. 2006, thị phần giảm còn 6,2%, nhưng so với thông lệ của WTO, mức chiếm lĩnh thị trường này vẫn còn quá cao nên dễ dẫn đến vụ kiện phá giá. Ông Hồi cho rằng, để làm giảm nguy cơ, các doanh nghiệp ngay từ bây giờ phải có các chính sách chiến lược về giá, đa dạng hóa thị trường, và tìm hiểu các thông tin có liên quan đến bán phá giá qua những cơ quan chức năng của Nhà nước như Cục Quản lý cạnh tranh.

Trong khi đó, mặt hàng đá của Việt Nam cũng đang nằm trong danh sách có nguy cơ cao về một vụ kiện phá giá của EU. Tham tán Đinh Văn Hồi cho biết, chỉ trong vòng 2 năm qua, giá đá của Việt Nam xuất khẩu vào EU đã giảm 40% so với 2003. Mức giá thấp “kinh khủng” này có thể khiến cho phía EU nghi ngờ và khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá.

 

Kinh nghiệm trong vụ kiện bán phá giá giày mũ da Việt Nam của EU năm ngoái được ông Hồi khuyến cáo doanh nghiệp phải hợp tác 100% với Liên minh Châu Âu để thông tin hết sức rõ ràng về tình hình kinh doanh của công ty, trong trường hợp tiếp tục những vụ kiện khác đối với mặt hàng này. “Giày dép Việt Nam vẫn chưa ra khỏi danh sách nguy cơ tiếp tục bị kiện phá giá ở EU, trong khi giày mũ da đã bị áp thuế phá giá 10% đến năm 2008”, ông Hồi nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Duy Khiên, tham tán Việt Nam tại Mỹ cũng dự báo đầu tư nước này vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong tương lai bởi 3 lý do. Đó là thị trường Việt Nam đã mở cửa, đặc biệt là trong ngành sản xuất rượu là lĩnh vực mà rất nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm; thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng cùng với hình ảnh đã thay đổi là một đất nước rộng mở; và sức hút của chất lượng lao động Việt Nam.

 

Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ, theo ông Khiên, cũng sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới, khi nhu cầu nhập khẩu của nước này lớn đến 1.700 - 1.800 tỷ USD/năm, trong lúc sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng 20% nhu cầu. “Vấn đề không phải là cầu nữa, mà doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu của khách Mỹ”, ông Khiên khuyến cáo.

 

Ông Khiên nói thêm rằng, có rất nhiều tập đoàn Mỹ đặt hàng cho thương vụ Việt Nam giới thiệu những hợp đồng gia công lớn trong ngành cơ khí, phần mềm..., thế nhưng thương vụ phải từ chối với sự tiếc rẻ vì lực của doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng. Do đó, tham tán Việt Nam tại Mỹ cũng đề nghị doanh nghiệp trong nước liên kết lại với nhau, hỗ trợ nhau trong nhiều ngành hàng để tăng sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của sản phẩm.

 

Đối với cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam 6 tháng 1 lần và nguy cơ khởi động vụ kiện phá giá của Mỹ, ông Khiên cũng khuyến cáo doanh nghiệp có sự chuẩn bị cụ thể ngay từ đầu và hợp tác thông tin tốt với phía Mỹ. “Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ tham gia góp ý kiến trong các vòng bình luận công khai của Bộ Thương mại Mỹ liên quan đến cơ chế giám sát hàng dệt may, để bảo vệ hàng hóa Việt Nam”, ông Khiên nói.

 

Theo Phan Anh

Vnexpress