1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp Việt: Hết thời "hữu xạ tự nhiên hương”

(Dân trí) - "Các cụ ngày xưa thường bảo “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng giờ thì không phải như vậy nữa. Trong xã hội hội nhập sâu sắc và cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, nếu cứ ngồi chờ đợi thì không có ai biết, thay vào đó phải đổi mới, phải ra ngoài”, đại diện Bộ Công Thương phát biểu.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA Thế hệ mới” diễn ra ngày 23/6, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cho biết: "Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới để hội nhập quốc tế, đây là giai đoạn mới về chất. Chúng ta có hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế trên thế giới và bất cứ hàng hóa nào của Việt Nam đang xuất khẩu, nhập khẩu đều được điều chỉnh bởi các hiệp định này".

Theo ông Sơn, Nhà nước đã cố gắng cho doanh nghiệp "một vé đi cửa riêng với nhiều ưu đãi", vì vậy, Việt Nam đã hợp tác với nước nào trên thế giới thì đều được hưởng ưu đãi từ nước đó. Có chăng giờ chỉ sót lại ở một số nước Nam Mỹ, còn lại khó có doanh nghiệp nào không làm với Mỹ, Âu, Á, Úc…

“Trên thế giới gần 160 nước cùng cạnh tranh với nhau nhưng hiếm có nước nào có phần thuế thấp như ở Việt Nam. Chính vì vậy chúng ta đang đứng trước một giai đoạn mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng ta được hưởng nhiều ưu đãi thì cũng phải mở cửa nhiều. Đây cũng là sức ép cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chính trong bối cảnh này nhận định, tư duy, thái độ của ta cần thay đổi”, ông Sơn nhìn nhận.

Tuy nhiên, vị này cũng chỉ ra nghịch lý rằng: “Việt Nam sẽ sàng bỏ chi phí để xúc tiến thương mại, nhưng thực tế cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tham gia. Các cụ ngày xưa thường bảo “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng giờ thì không phải như vậy nữa. Trong xã hội hội nhập sâu sắc và cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, nếu cứ ngồi chờ đợi thì không có ai biết, thay vào đó phải đổi mới, phải ra ngoài”.

Theo ông Sơn, thực tế, nhiều chương trình xúc tiến thương mại mời đến hàng tháng mà các doanh nghiệp không đi, đăng ký xong rồi bỏ đấy. “Tôi nghĩ chắc chỉ khi nào nhà nước hỗ trợ 100% thì doanh nghiệp mới tham gia. Tôi cho rằng, tất cả các loại hỗ trợ của Nhà nước cần phải giảm và bỏ. Đây là điều bắt buộc. Những hỗ trợ này thay vào đó chỉ dành cho lĩnh vực nông sản vì lĩnh vực này có giá trị thấp và chưa lôi kéo được nhiều doanh nghiệp tham gia”.

"Nhiều người nghĩ chi phí cho xúc tiến thương mại lớn nhưng hiệu quả chưa cao. Thế nhưng thực tiễn lại cho thấy, tất cả các nền kinh tế đặc biệt là các nước giàu có vẫn đầu tư nhiều cho xúc tiến, bởi vì lợi ích to lớn và lâu dài. Mỗi chuyến đi có thêm rất nhiều mối quan hệ và tháng sau, năm sau sẽ mang lại lợi ích cho mình, cũng giống như việc trang bị nhiều tiền cho trang phục để truyền đi được thông điệp cho người khác nhìn thấy và đánh giá về mình", ông Sơn nói thêm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) cũng cho rằng, vấn đề xúc tiến thương mại kết nối và thương mại là cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập. Đây là việc làm “sống còn” với doanh nghiệp, thế nhưng thực tế lại cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng hay chưa có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

Theo bà Tuyết, Việt Nam nên có sự chuẩn bị và tạo ra một quy trình liên kết doanh nghiệp như tạo lập danh bạ những doanh nghiệp quốc gia trong cùng lĩnh vực để khi doanh nghiệp hay nhà đầu tư cần thông tin có thể dễ dàng tra cứu.

“Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội để tiếp cận doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Đó cũng là cơ hội quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp trong nước khi họ tham gia các hội thảo hay diễn đàn nước ngoài. Vì vậy, tôi cũng mong muốn cục xúc tiến, các bộ ngành liên quan, các cơ quan chức năng, quản lý các diễn đàn cũng như các cơ quan báo chí, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có một cổng thông tin như vậy”. – bà Tuyết nói.

Còn theo ông Phạm Hoàng Thắng – Giám đốc Công ty sản xuất máy nông nghiệp: “Quá trình hội nhập cần phải có sự kết nối trong khi chúng tôi là nhà sáng chế đơn lẻ. Hơn nữa, trong quá trình hội nhập phải đổi mới sáng tạo. Muốn đổi mới phải đầu tư mà các nhà sáng chế nghĩ ra sản phẩm đã khó, việc sản xuất thử nghiệm, đầu tư thiết bị đưa ra cộng đồng mất rất nhiều tiền, chỉ chi ra chứ không thu vào. Tôi muốn nói rằng, trong suốt thời gian qua chúng tôi tự bơi, nhưng bơi không được xa”.

"Trong hội nhập, chúng tôi có thuận lợi là được nhiều nước biết đến, sản phẩm của tôi rất đơn giản nhưng đã xuất khẩu ra nhiều nước. Tuy nhiên, chúng tôi không có tiền ra nước ngoài tìm đơn vị nhập khẩu mà phải qua đơn vị trung gian. Tôi mong quốc hội hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ”, ông nói.

Phương Dung

Doanh nghiệp Việt: Hết thời "hữu xạ tự nhiên hương” - 2