1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp vàng xoay xở hướng đi

Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5, nhưng nhiều người làm trong ngành này cho biết cái khó đã nhen nhóm từ khi nhà nước mới đưa ra dự thảo lấy ý kiến vào cuối năm ngoái và càng tăng lên khi tình hình kinh tế sụt giảm.

Doanh nghiệp vàng xoay xở hướng đi
Theo các chủ tiệm vàng, hoạt động kinh doanh ngày một khó hơn.
Doanh nghiệp vàng tư nhân khó trăm bề

Đứng ở góc độ quản lý, khi ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP, NHNN khẳng định sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng do hoạt động này có tác động rất lớn tới nguồn cung vàng trong nước. Theo NHNN, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tăng nguy cơ vàng hóa nền kinh tế.

 

Về sự thiệt thòi của các doanh nghiệp, trong phiên chất vấn Quốc hội vào tháng 11-2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng cần phải “hy sinh vì lợi ích quốc gia và vì yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”. Theo ông Bình, từ năm 2008 trở lại đây, thị trường thế giới chao đảo, giá vàng nhiều biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, trong khi mặt bằng pháp lý để quản lý mặt hàng vàng còn nhiều bất cập. Từ đây, việc xây dựng nghị định quản lý kinh doanh vàng với trọng tâm là tập trung sự quản lý, điều tiết, thậm chí độc quyền ở Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.

 

Thành viên Hội đồng Vàng thế giới, ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng việc có nghị định vàng là hợp lý, giúp cho NHNN dễ dàng hơn trong việc kiểm soát đường đi của vàng, giá vàng, và tránh được hiện tượng đầu cơ. Vì vậy, việc có những tác dụng phụ là có, nhưng đó cũng là hiện tượng bình thường khi chính sách ban hành. Tuy vậy, ông Khánh cũng cho rằng NHNN phải làm tốt vai trò điều tiết để chênh lệch giá vàng kéo gần lại, tránh ảnh hưởng đến người dân và thị trường vàng luôn ổn định.

Theo quy định tại Nghị định 24, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Chiếu theo quy định này, chỉ còn khoảng 10-20 đơn vị đủ điều kiện, và các tiệm vàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn được kinh doanh vàng miếng.
 

Chủ một tiệm vàng lớn ngay tại chợ Bến Thành, TPHCM cho biết, trong tháng này sẽ chuyển cửa hàng về gần chợ Tân Định và dành mặt bằng hiện tại cho thuê.

 

Theo ông, kinh doanh vàng hiện không còn hiệu quả và thu nhập không bằng cho thuê mặt bằng nên thay đổi là cần thiết. Ông cũng cho biết thêm khi dọn về chỗ mới sẽ giảm bớt nhân viên để hạ gánh nặng chi phí.

 

“Hoạt động mang lại nguồn thu cho cửa hàng là bán vàng miếng coi như đã chấm dứt từ cuối năm ngoái đến nay, khiến cửa hàng lâm vào tình trạng khó khăn. Chỉ bán nữ trang thôi thì không đủ để có lời”, ông chủ tiệm vàng trên nói.

 

Từng là chủ chuỗi 5 tiệm vàng của Bình Tân, TPHCM với số lượng giao dịch một ngày đến cả trăm lượng vàng, đến nay, ông Đức chỉ còn 1 tiệm, và giao dịch ngày nào nhiều thì cũng không qua được con số 10 lượng vàng. Ông than thở chuyện kinh doanh vàng của ông ngày càng đi vào ngõ cụt khi kinh tế khó khăn.

 

Ông Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động chủ yếu của tiệm là bán nữ trang, còn thu nhập của vàng miếng chỉ đóng góp 10% trong tổng doanh thu, nhưng với tình hình hiện nay nữ trang cũng ế ẩm hơn lúc trước nhiều. Ông cho rằng khi nghị định trên có hiệu lực, ông cũng sẽ tìm cách để buôn bán thêm các mặt hàng khác mặc dù ông cho rằng trong giai đoạn này muốn bán gì cũng không dễ.

 

Ông Trần Quý Hải có một cửa hàng kinh doanh vàng lớn ngay tại quận Bình Thạnh và đã nhiều năm kinh doanh vàng miếng. Việc kinh doanh của cửa hàng đã chịu ảnh hưởng ngay sau khi bản dự thảo trên được công bố. Ông cho biết người dân giảm hẳn hoạt động mua bán vàng, và đến nay thì hoạt động của cửa hàng ông chỉ ở mức độ cầm chừng.

 

Ông Hải nói, trước đây, giao dịch vàng miếng của cửa hàng ông có doanh số lớn và ổn định, công việc kinh doanh cũng thuận lợi còn bây giờ thì ông đang ở ngã ba đường, chờ xem thị trường thay đổi ra sao sau khi nghị định có hiệu lực. Đến lúc đó, ông sẽ tính toán xem có nên tiếp tục kinh doanh mặt vàng miếng trong thời gian chờ chuyển đổi (6 tháng) hay chuyển sang lĩnh vực khác.

 

“Có kinh doanh gì thì cũng là để đắp đổi, còn thịnh vượng như những năm trước thì khó lắm”, ông Hải nói.

 

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là một trong những công ty cung cấp vàng miếng cho các tiệm vàng tại TPHCM nhưng hiện cũng đang đối mặt với nhu cầu giảm mạnh. Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh của công ty, cho biết trong thời gian gần đây, mặc dù giá giảm, nhưng lực mua từ các tiệm vàng rất yếu, nhu cầu từ phía này chỉ bằng 1/10 so với những đợt giảm sâu của các năm trước.

 

Ông Tường cũng cho rằng, việc tiêu thụ vàng miếng tại các tiệm vàng ngày càng khó khăn cũng do kinh tế đi xuống, ít người bỏ tiền mua vàng, và cả tâm lý chờ đợi đến khi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý vàng có hiệu lực.

 

Doanh nghiệp lớn cũng khổ với vàng miếng của chính mình

 

Sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức được ban hành ngày 4-4, trước những lo ngại của người dân về việc các loại vàng miếng khác, không phải SJC, sẽ bị mua lại với giá thấp, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối của NHNN cho biết, Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng trên, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do NHNN quy định.

 

Tuy NHNN đã nói rõ như vậy, nhưng nhu cầu mua vàng các thương hiệu khác, không phải SJC vẫn sụt giảm mạnh.

 

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc cho biết vẫn bán được vàng PNJ-DAB cho khách nhưng giá thì thấp hơn nhiều so với giá vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau, chỉ khác thương hiệu. Lượng vàng giao dịch tại PNJ thời gian gần đây rất thấp, chủ yếu là vàng miếng SJC (khoảng 70%).

 

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank-SBJ, cho biết từ đầu năm đến nay với vàng miếng SBJ, công ty chủ yếu mua vào, trong khi hầu như không bán ra được loại vàng này. Đa phần người tiêu dùng đều có tâm lý mua vàng SJC cho chắc.

 

Hiện số lượng vàng SBJ đã mua vào công ty cũng gửi ở ngân hàng để khi có quy định chuyển đổi thành vàng miếng SJC thì sẽ thực hiện, vì hiện tại NHNN vẫn chưa cho phép SJC dập vàng từ các thương hiệu khác thành SJC.

 

Cùng cảnh ngộ khó khăn là Công ty Vàng bạc Đá quý Agribank. Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty, ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết hiện tại đã gửi kiến nghị lên NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp. Hiện vàng miếng AAA của công ty này bán ra rất ít, chủ yếu là mua vào. Nếu ông muốn chuyển thành vàng miếng SJC thì cũng có những đơn vị chấp nhận mua nhưng với giá thấp, có khi lỗ đến 700.000 đồng/lượng.

 

Từ tháng 11 năm ngoái, khi dự thảo nghị định trên được đăng tải rộng rãi, các công ty kinh doanh vàng cho biết có thể NHNN sẽ cho phép đổi ngang giá giữa vàng các thương hiệu khác thành SJC, chỉ mất phí gia công, nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía cơ quan này.

 

 Liên quan đến Nghị định trên, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc NHNN chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia cũng là một cách làm đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy vậy cần phải có một thời kỳ quá độ, chuyển đổi để cả người dân và doanh nghiệp không bị “sốc”, gây nên những xáo trộn không đáng có.

 

Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng trao đổi với PV cũng cho rằng, hiện tại NHNN nên trấn an người dân về việc không bán ồ ạt các loại vàng miếng khác bằng việc khẳng định có thể mua lại số vàng này làm vàng nguyên liệu để SJC dập ra bán cho dân, hoặc cũng có thể cho phép doanh nghiệp đăng ký với SJC để dập vàng, giúp doanh nghiệp không gặp khó khăn mà người dân cũng yên tâm vì vàng miếng mình đang giữ có thể bán được đúng giá thị trường.

 

Theo Thanh Thương

TBKTSG Online