1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp thép mong sớm được "bảo hộ"

(Dân trí) - Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương xem xét ra quyết định chính thức sớm nhất có thể đối với vụ khởi xướng điều tra tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài. Đồng thời kiến nghị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ với mặt hàng tôn mạ kẽm và tôn mạ lạnh cũng như khởi xướng điều tra tự vệ với tôn mạ màu.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Theo lý giải của VSA: “Đây là giải pháp ngắn hạn để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Về lâu dài, doanh nghiệp phải đối mới và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ khép kín, nâng cao trình độ quản lý kinh doanh, hội nhập”.

Theo VSA, thời gian qua, các sản phẩm thép và phôi thép nhập khẩu tăng đột biến và đe dọa nghiêm trọng cho ngành sản xuất thép trong nước.

Các doanh nghiệp đang nghe ngóng thông tin về việc Nhà nước có thể sẽ áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mặt hàng phôi thép, thép dài và tôn mạ. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu dự trữ hàng hóa để tranh thủ đầu cơ khi cơ quan quản lý nhà nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép nhập khẩu.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thép ra nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ nội địa suy giảm. Ngành công nghiệp thép các nước đối mặt với nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt, trong đó có Việt Nam.

Theo VSA, ngành công nghiệp thép Việt Nam phát triển khá nhanh trong thời gian qua nhưng quy mô còn nhỏ, phân tán. Trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh hiện nay, cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch ngành thép phù hợp với tình hình mới theo hướng ưu tiên hình thành các tổ hợp thép có quy mô lớn, tập trung, công nghệ hiện đại, kiểm soát môi trường do các nhà đầu tư trong nước thực hiện.

“Giai đoạn này không nhất thiết phải kêu gọi đầu tư nước ngoài đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được, thậm chí dư thừa”, VSA nhìn nhận.

VSA cũng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép cần tăng cường năng lực sản xuất của mình, đảm bảo cung ứng đủ phôi thép cho thị trường với giá cả và chất lượng cạnh tranh. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường hợp tác liên kết với các nhà sản xuất thép trong nước, các đại lý phân phối, bảo đảm thị trường thép ổn định.

Thời gian vừa qua, giá phôi thép có tăng lên sau khi áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Tuy nhiên, VSA cho rằng, mức tăng này thể hiện đúng bản chất của thị trường và việc áp thuế không thực sự ảnh hưởng tới giá thép trong nước mà việc điều chỉnh giá chủ yếu do quy luật cung cầu.

“Giá thép trong nước hiện đã giảm, thị trường dần ổn định, vận hành theo đúng quy luật cung cầu của thị trường. Với mức tăng như vừa qua, giá thép mới phục hồi, tương đương với tháng 5,6/2015 và chưa trở lại mức giá hồi tháng 1/2015. Các doanh nghiệp luyện và cán thép đều đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả do giá bán trong nước được cải thiện. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng sản xuất đã hoạt động trở lại”, VSA cho biết.

Phương Dung