1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Doanh nghiệp phân bón kêu lỗ nghìn tỷ đồng vì một văn bản Luật

(Dân trí) - Theo Luật 71/2014/QH13, nông dân khi mua phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được giảm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT), còn các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón không những không được giảm mà còn phải chịu thuế VAT đầu vào từ 6,5 - 7%. Điều này khiến cho giá phân bón nhập khẩu rẻ hơn phân bón trong nước, và hệ luỵ của nó là nhiều DN phân bón trong nước bị lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam tại Hội thảo quốc gia về Lập lại thị trường phân bón Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Theo ông Thúy, Luật 71 mặc dù có mục tiêu giúp người nông dân, song qua thời gian thực hiện đã bộc lộ các bất cập, trong đó: khuyến khích việc nhập khẩu phân bón chất lượng thấp, nhập lậu phân bón với giá rẻ, khiến DN trong nước chịu thiệt hại. Trong khi đó, mục tiêu cuối cùng giúp giảm gánh nặng cho người nông dân lại không đạt được.

"Các mặt hàng thế giới đều hạ; giá than hạ hơn 40%, giá khí hạ, giá phân bón Ure hạ 41,25%, giá phân DAP hạ 25% và phân kali hạ 19%... nhưng trong nước nguyên liệu sản xuất phân bón giá than không hạ, cộng với phải chịu Luật 71 thuế VAT đầu vào nên lượng các loại phân bón nhập khẩu giá rẻ càng tăng", đại diện Hiệp hội phân bón nêu.

Doanh nghiệp phân bón kêu lỗ nghìn tỷ đồng vì một văn bản Luật - 1

Theo ông Thúy, từ khi thực hiện Luật 71 từ tháng 1/2015, nhập khẩu urê tăng 652 nghìn tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2014. 7 tháng đầu năm 2016 lượng urê nhập khẩu tăng gần 360 nghìn tấn, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Điều này đã làm urê của nhiều nhà máy sản xuất giảm công suất tối đa như: Đạm Ninh Bình công suất từ 550.000 tấn giảm xuống 150.000 tấn mà không bán được, thiệt hại lớn, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 thiệt hại 2.042 tỷ đồng; Công ty Super phosphate Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn nay chỉ bán được 2.000 tấn… Công ty phân đạm Hà Bắc công suất 550 nghìn tấn giảm công suất xuống 40%, giá urê bán ra giảm 20%, năm 2015, 6 tháng đầu năm 2016 thiệt hại 889 tỷ đồng.

Ông này nêu một loạt ví dụ cụ thể về thiệt hại là nhà máy DAP Đình Vũ, Lào Cai có công suất 660 ngàn tấn, giảm sản lượng xuống 40%, giá DAP bán ra giảm 18%... thiệt hại của Công ty DAP Đình Vũ 120 tỷ đồng, thiệt hại của Công ty DAP Lào Cai 125 tỷ đồng, trong đó có thiệt hại do luật 71 về VAT…

Tương tự, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có tổng sản lượng phân bón Ure, DAP, NPK, lân super, lân nung chảy, phân bón khác… chiếm gần 70% trên tổng số lượng sản xuất cả nước. Trong đó có các công ty Đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai đã bị thiệt hại nặng nề.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi nhưng chính sự "chậm trễ, thiếu trách nhiệm" từ Bộ Tài chính nên tất cả vẫn "dậm chân tại chỗ". "Làm sao không thiệt hại, không lỗ được. Nếu tình trạng này cứ để kéo dài thì các công ty nhà máy trên dễ có nguy cơ đóng cửa", ông Thúy bình luận.

Theo ông Thuý, sau nhiều lần tổ chức hội thảo để lấy ý kiến DN, Hiệp hội Phân Bón Việt Nam đã làm văn bản tập hợp ý kiến kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi. Sau đó Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên sau đó, Bộ Tài chính đã lấy lý do thị trường phân bón thế giới và trong nước giảm sâu (giá phân bón thế giới giảm sâu là do giá dầu giảm và đổi mới công nghệ) để tiếp tục duy trì.

"Tại sao Bộ Tài chính còn lấy lại số liệu thực hiện thuế từ năm 2009-2014, trước 6 năm Luật 71 có hiệu lực để báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Báo cáo vậy là không trung thực. Dẫn tới ngày 5/4/2016 Chính phủ và ngày 6/4/2016 Quốc hội đã thông qua không sửa đổi", ông Thúy nói.

Cùng với quan điểm trên tại Hội nghị trên, Hội Nông dân Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT, nông dân vẫn phải mua phân bón giá cao hơn và nông dân không được hưởng lợi như mục tiêu ban đầu của Luật bởi giá phân bón đã được cộng cả thuế đầu vào. Trong khi đó, việc này chỉ thúc đẩy tiêu dùng phân bón nhập khẩu, nhập lậu ngày càng nhiều hơn.

Theo báo cáo trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu phân bón. Số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 8 tháng năm 2016, cả nước nhập hơn 2,6 triệu tấn phân bón, với kim ngạch hơn 730 triệu USD; năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón đạt 793 nghìn tấn, trị giá 280 triệu USD giảm 25,5% về lượng và giá trị so với năm 2014.

Nguyễn Tuyền