1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp niêm yết đuối sức

Hàng loạt doanh nghiệp đã báo thua lỗ hoặc giảm lãi trong quý I/2011. Dự báo tình hình quý II và III sẽ còn khó khăn hơn

Kết quả công bố kinh doanh quý I/2011 của doanh nghiệp (DN) niêm yết cho thấy đã xuất hiện không ít công ty báo cáo lỗ hoặc giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại quý I thường là quý có nhiều thuận lợi hơn mà DN đã đuối thì trong 2 quý tới, những khó khăn của DN càng bộc lộ rõ hơn khi mà lãi suất ngân hàng ngất ngưởng; giá hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao...

 

Doanh nghiệp niêm yết đuối sức - 1
Nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ càng khiến nhà đầu tư “quay lưng” với thị trường chứng khoán.

 

Lợi nhuận giảm mạnh

 

Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vinaconex (VCH) đã công bố lợi nhuận sau thuế quý I/2011 chỉ có 24 triệu đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm ngoái. VCH giải trình nguyên nhân lợi nhuận giảm là do lãi suất ngân hàng biến động; chi phí từ điện, xăng tăng...

 

Trong bảng giải trình về thực trạng kết quả kinh doanh quý I/2011 giảm mạnh so cùng kỳ, Công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH) cho rằng dù có bán căn hộ nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu tiền hợp đồng theo tiến độ. Và kết quả lợi nhuận quý I của VPH chỉ bằng 14% so cùng kỳ.

 

Tương tự, Công ty CP Locogi 16 (LCG), một trong những đơn vị thường được nhà đầu tư “săn đón” cổ phiếu, quý I năm nay, công ty mẹ đạt 53,4 tỉ đồng lợi nhuận, giảm hơn 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận của Công ty CP TIE cũng giảm 33%...

 

Một trong những đơn vị được đánh giá là có lợi nhuận khá do có sản lượng tiêu thụ thép lớn nhất cả nước nhưng lợi nhuận của Công ty CP Thép Pomina vẫn giảm 30% (chỉ đạt 168 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế so với con số hơn 251 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước)…

 

Báo lỗ hàng loạt

 

Ngoài một số DN công bố lỗ 2 năm liên tiếp và bị tạm ngưng giao dịch trên sàn chứng khoán như VKP, BAS…, trong quý I/2011, hàng loạt DN thuộc ngành chứng khoán đã công bố lỗ nặng. Cụ thể: Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) được ví là “cánh chim đầu đàn” trong ngành, quý I năm nay đã báo lỗ gần 102 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 270 tỉ đồng).

 

Theo đó, doanh thu của SSI quý này chỉ đạt hơn 232 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Tương tự, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) cũng đã báo lỗ trước thuế quý I là 54 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế từ cuối năm 2010 và quý I/2011 lên 269 tỉ đồng. Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) công bố lỗ sau thuế quý I hơn 48 tỉ đồng. Chứng khoán Âu Việt cũng báo lỗ gần 13 tỉ đồng...

 

Cổ phiếu “vua” hết thời

 

Nhìn chung, hầu hết các công ty chứng khoán đều có chung số phận là doanh thu từ môi giới, tự doanh giảm mạnh, các nguồn thu khác cũng giảm, trong khi chi phí hoạt động lại tăng lên. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán chưa niêm yết thừa nhận công ty ông đã “vét” sạch lợi nhuận để công bố nhưng cũng chỉ được vài tỉ đồng gọi là “để giữ uy tín”, chứ nếu “căng” ra thì cũng không có đồng lời nào. Ông cho rằng năm nay sẽ là năm nhiều khó khăn, thử thách nhất đối với các công ty chứng khoán…

 

Một chuyên gia tài chính cho rằng trước đây cổ phiếu ngành tài chính, chứng khoán, bất động sản được đánh giá là nhóm cổ phiếu “vàng”, cổ phiếu “vua”…, luôn được các nhà đầu tư quan tâm thì hiện nay, nhóm cổ phiếu này được xem là những “con sâu làm rầu nồi canh”, góp phần làm cho thị trường sụt giảm mạnh.

 

Khó khăn còn phía trước

 

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, cho rằng khó khăn của DN vẫn còn ở phía trước bởi những khó khăn về tài chính, chi phí lãi vay trong giai đoạn hiện tại sẽ được phản ánh rõ nét ở các quý tiếp theo. Và ngay trong quý I này, khả năng sẽ còn nhiều DN bị lỗ vì đến thời điểm này vẫn còn khá nhiều DN chưa nộp báo cáo.

Một chuyên gia tài chính cho rằng so với thời điểm khủng hoảng của năm 2008, DN hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn. Vì trước đó, DN còn có nhiều năm tích lũy nên khi khủng hoảng xảy ra, họ vẫn còn sức để chống đỡ, chưa kể còn có sự hỗ trợ từ gói kích cầu. Còn hiện nay, chỉ có DN nào “khỏe mạnh” thực sự mới có thể vượt qua khó khăn.

 

Theo Sơn Nhung

NLĐ