1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp Mỹ ngán ngẩm khi làm ăn tại Trung Quốc

(Dân trí) - Gặp nhiều rào cản về thị trường, lại thường xuyên bị báo giới Trung Quốc “tấn công”, các doanh nghiệp Mỹ đang mất dần sự hào hứng với thị trường lớn thứ hai thế giới. Tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ cho rằng môi trường kinh doanh được cải thiện đã giảm mạnh.

Cà phê Starbucks đang là đối tượng bị báo giới Trung Quốc tấn công
Cà phê Starbucks đang là đối tượng bị báo giới Trung Quốc tấn công

Thật khó để biết được liệu mọi chuyện đang trở nên tốt hơn hay tệ đi với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Lúc thì họ bị chỉ trích dữ dội vì bán cà phê với giá quá cao, nhưng chỉ một vài ngày sau lãnh đạo nước này lại ngợi khen họ vì giúp Trung Quốc hiểu rõ kinh tế toàn cầu.

Nhưng nếu đặt câu hỏi về tình hình hiện tại với các doanh nghiệp Mỹ, người ta sẽ nhận được một danh sách dài những lời ca thán về các rào cản khi làm ăn tại đây.

Theo khảo sát vừa được Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố ngày 24/10, tỉ lệ doanh nghiệp Mỹ cho rằng môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang được cải thiện đã sụt xuống chỉ còn 28% trong năm nay so với 43% của năm ngoái.

Mặc dù chỉ 19% cho rằng tình hình đang xấu đi, có một cảm nhận rằng những tiến triển trong việc mở cửa thị trường đã đình trệ. Tiến triển trong một số lĩnh vực như bệnh viện tư được dễ tồn tại hơn lại bị xóa nhòa bởi bước lùi ở những ngành khác.

Phòng thương mại Mỹ cho rằng các doanh nghiệp nước ngòai đang bị ngăn cản khỏi một loạt lĩnh vực sau những quy định được ban hành năm 2011, từ dịch vụ chuyển phát tới nghiên cứu công nghệ sinh học.

“Mặc dù các công ty nước ngoài vẫn hào hứng đầu tư vào thị trường Trung Quốc, những thách thức như chính sách phân biệt đối xử theo ngành, quy trình phê duyệt đầu tư mù mờ và sự thiếu hệ thống quản lý hiệu quả và bồi thường pháp lý khi các khoản đầu tư bị từ chối là những rào cản khổng lồ”, Greg Gilligan, chủ tịch của Phòng thương mại Mỹ khẳng định.

Quá trình phê duyệt đầu tư là đặc biệt phiền toái, gây ra nhiều phản ứng, từ sự thiếu vắng những quyết định rõ ràng tới hồ sơ thủ tục quá nhiều. Tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ cho rằng các công ty nước ngoài và địa phương được cạnh tranh bình đẳng trên một sân chơi liên quan đến quá trình cấp phép đã giảm từ 29% của năm 2011 xuống còn 14%.

Đây là một phần lí do vì sao đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Trung Quốc đang dần giảm tốc, ông Gilligan nói. Bên cạnh đó việc chi phí nhân công tăng và sự giảm tốc của kinh tế nước này cũng là những yếu tố tác động khác.

Trong năm ngoái, FDI vào Trung Quốc chỉ còn 111,7 tỷ USD, giảm so với mức 116 tỷ USD của năm 2011. Trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình có vẻ khả quan hơn chút ít khi lượng vốn đăng ký đạt 88,6 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái dù vẫn thua xa năm 2011.

Các doanh nghiệp nước ngoài hiện hầu như không thể tham gia các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc như năng lượng hay tài chính. Trong khi đó các công ty Trung Quốc lại muốn được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ Mỹ, và được đảm bảo rằng họ không bị phân biệt đối xử khi đầu tư vào Mỹ.

Hôm thứ Tư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định trước một hội thảo gồm gần 20 lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài tại Bắc Kinh rằng, những ý kiến của họ “là một nguồn cảm hứng rất quan trọng cho chính phủ Trung Quốc”.

Thế nhưng trên các phương tiện truyền thông của nhà nước, các bài viết tấn công các công ty như Apple hay Starbucks Corp vì dịch vụ kém hay tính giá cao với khách Trung Quốc vẫn nhan nhản.

Thanh Tùng
Theo WSJ