1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh nghiệp kinh doanh khó khăn vì gánh nặng thuế, phí

(Dân trí) - Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính đang có xu hướng giảm do các loại phí (chi phí tài chính, chi phí sản xuất, các loại thuế và phí...) tăng lên nhanh chóng. Đây là một phần nguyên nhân khiến số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh nửa đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo vĩ mô vừa phát hành của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đánh giá, mặc dù xu thế dài hạn của tăng trưởng (tiềm năng tăng trưởng) đang tiếp tục tăng song, tăng trưởng ngắn hạn (chu kỳ kinh tế) vẫn đang trong giai đoạn suy giảm kể từ quý III/2015 và chưa có dấu hiệu thoát đáy chu kỳ trong năm 2016.

Cụ thể, theo UBGSTCQG, xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được xu hướng tăng tích cực nhờ vào những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, tăng trưởng trong ngắn hạn đang suy giảm chủ yếu do chịu tác động của các yếu tố chu kỳ kinh tế và suy giảm về tổng cung (do hạn hán, thiên tai và giá dầu thế giới giảm).

Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 cần có biện pháp hỗ trợ về tổng cầu để bù đắp sự suy giảm của tổng cung, nhất là việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 16-18% và mở rộng thị trường hàng xuất khẩu.

Các dữ liệu của nền kinh tế cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn
Các dữ liệu của nền kinh tế cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn

Trong khi đó, các dữ liệu của nền kinh tế cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9%).

Theo tính toán của UBGSTCQG, hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính đang có xu hướng giảm do các loại phí (chi phí tài chính, chi phí sản xuất, các loại thuế và phí...) tăng lên nhanh chóng.

Trong quý I, tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khu vực doanh nghiệp này lần lượt ở mức 1,16% và 2,66% giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ quý I/2015 ROA, ROE lần lượt là 3,22% và 1,3%).

Tăng trưởng doanh thu bình quân và tổng tài sản bình quân của khu vực trong quý I/2016 lần lượt ở mức -6,4% và 11,94% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (quý I/2015 tăng trưởng doanh thu bình quân, tổng tài sản bình quân lần lượt là 49,29% và 86,31%).

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo ghi nhận của UBGSTCQG, lạm phát tiếp tục tăng kể từ tháng 11/2015. Tính đến tháng 6/2016, CPI tổng thể tăng 2,4% so với cùng kỳ và tăng 2,35% so với đầu năm.

Nguyên nhân tăng lạm phát chủ yếu do tăng giá một số nhóm hàng như: dịch vụ y tế (tăng 23,15% so với đầu năm); giáo dục (tăng 4,47% so với đầu năm). Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, 2 nhóm này góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 1,08% so với đầu năm, đóng góp 46% vào tổng mức tăng kể từ đầu năm. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2% từ đầu năm đến nay. UBGSTCQG dự báo lạm phát cả năm 2016 sẽ tăng cao hơn so với năm 2015, nhưng sẽ chỉ ở mức 4% - 4,5%.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô như đã đề cập ở trên, thu ngân sách nhà nước (NSNN) nửa đầu năm 2016 khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được lý giải do tốc độ tăng thu nội địa chỉ đạt 13,8%, thấp so với mức 18,6% của cùng kỳ 2015 và mức 19,9% của năm 2014.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là giá dầu thanh toán bình quân ở mức 39,8 USD/thùng, thấp hơn so với giá xây dựng dự toán (60 USD/thùng) khiến thu dầu thô giảm 44,8%. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 2,2%.

Trong khi đó, chi thường xuyên tăng 5%, chi đầu tư phát triển tăng 4,6%, chi trả nợ và viện trợ tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là tốc độ tăng chi NSNN (4,9%) chậm hơn tốc độ tăng thu NSNN (6,1%) đã giảm bớt áp lực đối với cân đối ngân sách. Bội chi NSNN lũy kế 6 tháng đầu năm là 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.

Với tình hình trên, UBGSTCQG cho rằng, thâm hụt ngân sách năm 2016 có khả năng đảm bảo dự toán 254.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn kế hoạch, giả sử ở mức 6,5% GDP thì tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP sẽ vượt dự toán khoảng 0,5% GDP, báo cáo của UBGSTCQG đánh giá.

Bích Diệp