1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp FDI năm 2017: Tỷ lệ báo lãi thấp nhất nhiều năm, báo lỗ tăng kỷ lục

(Dân trí) - Theo điều tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của PCI 2017, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, 37,9% doanh nghiệp báo lỗ - cũng là một con số kỷ lục mới...

Sáng 22/3, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.

Báo cáo đã dành riêng một chương đề cập tới những kết quả điều tra hiệu quả hoạt động và đặc điểm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2017.

Số liệu thống kê năm 2017 cho thấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về thu hút đầu tư FDI. Theo đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với mức năm 2016 và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Không chỉ là số vốn đăng ký, số vốn đầu tư thực hiện cũng tăng lên đến 17,5 tỷ USD, một con số ấn tượng trong bối cảnh FDI toàn cầu đang suy yếu.

Dù đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế của Việt Nam song báo cáo PCI cho rằng: Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang làm dấy lên những quan ngại trong các nhà hoạch định chính sách.

Báo cáo cũng đã dẫn lại ý kiến tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng ngày 31/10/2017 của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khi vị này bày tỏ một loạt nỗi lo. Đó là "nỗi lo" khi tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm và đóng góp rất ít vào ngân sách nhà nước trong khi vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam chưa có khả năng hấp thụ tốt những hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ - một trong những lý do chính để thu hút nguồn vốn nước ngoài. Việt Nam vẫn xếp hạng dưới Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Campuchia về chuyển giao công nghệ.

Trong khi các doanh nghiệp FDI tiếp tục được trao nhiều ưu đãi, thì các doanh nghiệp trong nước lại không được như vậy.

Qua điều tra, báo cáo PCI cho biết, năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục phục hồi, dù chậm nhưng chắc chắn, sau đợt suy giảm vào năm 2012-2013. Các doanh nghiệp FDI đã tăng cường nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm vừa qua.

Doanh thu của doanh nghiệp FDI trung vị đạt 2,43 triệu USD, cao gấp 3 lần so với các năm trước. Tuy nhiên, sự gia tăng này đi kèm với chi phí kinh doanh cũng tăng cao tới 2,02 triệu USD.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI theo thời gian.
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI theo thời gian.

“Điều này có nghĩa là khả năng sinh lời bị ảnh hưởng. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, 37,9% doanh nghiệp báo lỗ - cũng là một con số kỷ lục mới”, báo cáo điều tra PCI cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu PCI, vẫn chưa rõ liệu những con số này chỉ là một sự suy giảm tạm thời hay là một xu hướng dài hạn hơn.

Báo cáo cũng đưa ra một lý giải cho điều này, đó là có thể các doanh nghiệp FDI đang trong giai đoạn mở rộng, đòi hỏi đầu tư nhiều vốn và lao động và do vậy có thể tạm thời bỏ qua mục tiêu lợi nhuận trước mắt và kỳ vọng vào tăng trưởng trong tương lai.

Đáng lưu ý, mặc dù tỷ lệ báo lãi có giảm, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Có hai chỉ số thể hiện sự lạc quan này: Tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư năm 2017 là 13,2%, tăng nhẹ so với 11% năm 2016.

Thêm nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 50% lên 60%.

Doanh nghiệp FDI năm 2017: Tỷ lệ báo lãi thấp nhất nhiều năm, báo lỗ tăng kỷ lục - 2

Nguyễn Khánh

Doanh nghiệp FDI năm 2017: Tỷ lệ báo lãi thấp nhất nhiều năm, báo lỗ tăng kỷ lục - 3