1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Điều kiện kinh doanh hành doanh nghiệp: Có người chỉ ăn và viết giấy phép?

(Dân trí) - Điều kiện kinh doanh (ĐKKD) chỉ là một phần tạo ra gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Nhà lập pháp thường quy định một loạt quyền và nghĩa vụ, quyền thì ít mà nghĩa vụ thì nhiều.

Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội nghị bàn về hạn chế, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 15/6.

Quyền thì ít, nghĩa vụ thì nhiều

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM: Báo cáo điều kiện kinh doanh 2017 cho thấy, nếu chúng ta tiếp tục đi theo cách 20 năm nay, Việt Nam sẽ quay trở lại con đường cũ rối ren về ĐKKD. "Chúng ta hình dung bức tranh một mặt muốn có thị trường nhưng lại yêu cầu mọi DN làm gì đều phải xin phép Nhà nước", ông Hiếu nói.

Những điều kiện kinh doanh đang thoáng trên, chặt dưới (ảnh minh hoạ)
Những điều kiện kinh doanh đang thoáng trên, chặt dưới (ảnh minh hoạ)

Theo ông Hiếu, trong hoạt động kinh doanh, ĐKKD chỉ là một phần tạo ra gánh nặng pháp lý cho DN, nhà lập pháp thường quy định một loạt quyền và nghĩa vụ của DN, song quyền thì ít mà nghĩa vụ lại nhiều. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta cải cách về ĐKKD cũng chỉ góp một phần nhỏ trong giảm gánh nặng tác động tới hoạt động kinh doanh của DN.

"Thậm chí, sản phẩm cuối cùng làm ra, DN vẫn bị tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp đặt. Điều này cho thấy, chúng ta đang quản lý từ đầu vào đến đầu giữa cho tới đầu ra mà DN phải tuân thủ", ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu: Những quy định của ĐKKD hiện nay đang tạo ra 5 nguy cơ, đó là tạo ra rủi ro kinh doanh, hạn chế sáng tạo của DN và kinh doanh theo chuỗi, tác động bất lợi tới DN vừa và nhỏ, mất lợi thế cạnh tranh và gia tăng chi phí.

Ông Hiếu nêu: Phức tạp của thủ tục thành lập DN chỉ là 1 phần trong số nhiều khó khăn mà DN gặp phải. Thời điểm đó phát hiện được 300 loại giấy phép kinh doanh; trước năm 2000, bất kể hoạt động kinh doanh nào cũng cần giấy phép, sau năm 2003 có cải cách 160 giấy phép kinh doanh nhưng giờ một số giấy phép lại phục hồi trở lại.

Có bộ phận “chỉ ăn và viết giấp phép”?

Thống kê trong Báo cáo về Điều kiện Kinh doanh 2017 mà CIEM công bố, hiện cả nước có ngành nghề, 5 dịch vụ, và 19 hàng hóa cấm kinh doanh; 12 ngành nghề chỉ DNNN được kinh doanh. Hơn 243 ngành nghề, 69 dịch vụ, 23 hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới chỉ là ngành nghề "mẹ", còn tại các lĩnh vực "mẹ" sản sinh nhiều ĐKKD con, cháu. Ba lĩnh vực mà CIEM cho là có tình trạng ĐKKD chồng lấn, xếp tầng lên nhau gây nhức nhối nhất là: Lĩnh vực tài chính có 20 ngành nghề kinh doanh mẹ, và 60 ĐKKD con, cháu; xây dựng có 17 ĐKKD mẹ, có đến hơn 26 ĐKKD con, cháu; Giao thông vận tải ĐKKD mẹ có hơn 30 nhưng các ĐKKD con cháu lên đến hơn 60.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “ĐKKD bao năm nói mãi nhưng không thay đổi được bao nhiêu, số người sản xuất giấy phép rất nhiều trong khi số người kiểm soát giấy phép ít, vì số người sản xuất có lợi ích, còn số người kiểm soát rất khó tìm kiếm, thậm chí có những người tạo ra càng nhiều giấy phép càng tốt”.

TS Cung nói: “Tại sao lại nhiều ĐKKD đến vậy, tại sao chúng ta lại hành DN như vậy?”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, nhận định: ĐKKD nói nhiều nhưng càng cải cách càng rối, không đạt mục tiêu, thậm chí giờ giấy phép tinh vi và phức tạp hơn. Trước đây, nhiều loại dùng giấy phép nhưng giờ lại dùng từ thông báo.

"Tôi có ghi nhanh có những vấn đề giấy phép kinh doanh hiện nay đang gặp phải như: không rõ, chung chung; can thiệp vào quyền tự do kinh doanh; nhiều ĐKKD rất nực cười như kiểu "con gà có trước hay quả trứng có trước. Hiện có xu hướng ĐKKD áp đặt, cứng nhắc về sở hữu nhưng trên thực tế không có ý nghĩa hay nhầm lẫn mục tiêu quản lý...", ông Tuấn cho biết.

Nguyễn Tuyền