1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Điều hành xăng dầu: Đừng “tiền hậu bất nhất”!

(Dân trí) - Quyết định tăng giá xăng dầu tối 17/7 là khó tránh khỏi nhưng vẫn khiến dư luận sững sờ và thất vọng, nguyên nhân chủ yếu do cách phát biểu tạo kỳ vọng ngược cho người dân của các cơ quan quản lý trước đó.

Điều hành xăng dầu vẫn bị tham phiên tăng nhanh giảm chậm, tăng nhiều giảm ít (ảnh minh họa).
Điều hành xăng dầu vẫn bị tham phiên "tăng nhanh giảm chậm", "tăng nhiều giảm ít" (ảnh minh họa).

 

Tối qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng thêm gần 500 đồng/lít với ba mặt hàng là xăng, dầu diezel và dầu hỏa. Theo đó, giá xăng A92 (vùng 1) từ mức 24.110 đồng tăng lên 24.570 đồng/lít. Dầu diezel tăng 470 đồng/lít, theo đó, dầu diezel 0,05S từ 21.840 đồng/lít lên mức 22.310 đồng/lít; Dầu hỏa tăng thêm 420 đồng/lít, từ mức 21.600 đồng lên 22.020 đồng/lít.

 

Đây là lần tăng giá xăng dầu lần thứ 4 kể từ đầu năm tới nay và là lần thứ 3 tăng liên tiếp trong hơn một tháng qua.

 

Mặc dù vấn đề tăng giá xăng dầu trong bối cảnh gần đây khi giá xăng dầu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại, về nguyên tắc đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, quyết định cho phép tăng gần 500 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu được Liên bộ Tài chính – Công thương đưa ra vẫn tạo ra không ít ngỡ ngàng cho dư luận.

 

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, tần suất tăng giá xăng dầu thời gian gần đây hơi nhiều, sau 3 lần tăng liên tiếp, giá xăng dầu đã “đội” lên trên 1.000 đồng/lít. Sau 4 lần điều chỉnh trên, giá xăng tăng tổng cộng 2.691 đồng/lít. Trong khi đó, từ đầu năm, giá xăng dầu có 3 lần giảm, với mức giảm tổng cộng là 1.220 đồng/lít.

 

“Dù Nhà nước đã xả Quỹ Bình ổn giá, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mỗi tạm thời cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng nhưng trong bối cảnh sản xuất của doanh nghiệp còn đình trệ, sức mua thấp thì việc tăng giá xăng dầu như thế này là hơi nhiều. Tại sao trơng thời điểm này, Bộ Tài chính không sử dụng công cụ thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng?”, ông Long đặt câu hỏi.

 

Còn theo nhận xét của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, việc giá xăng phải tăng do giá thế giới tăng là điều dễ hiểu và cơ quan chủ quản cần có sự giải thích rõ ràng để tạo được sự đồng thuận từ phía người tiêu dùng. Thế nhưng, cách công bố và cách xử lý thông tin xăng tăng giá, lại đang là một vấn đề khiến người dân bức xúc.

 

Đơn cử như tại đợt tăng giá vào 20h ngày hôm qua (17/7/2013), trong vòng 1 ngày và chỉ cách chưa đầy 8 tiếng trước, các quan chức còn cho biết đang xem xét giảm thuế nhập khẩu, tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn và chưa tăng giá, nhưng đến tối lại tăng.

 

Mấu chốt vẫn là "minh bạch"

 

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý hiện đang “tiền hậu bất nhất”, tức là giữa phát ngôn và hành động không đồng nhất với nhau. Cuối tuần trước, giá xăng dầu đã “nhốp nhổm” đòi tăng nhưng sau đó lại có thông tin cơ quan quản lý đang yêu cầu doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn, tạm thời giữ nguyên giá bán xăng dầu.

 

“Việc điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay có vẻ minh bạch, nhưng cái chính ở đây là cơ quan chức năng không nắm rõ mà chỉ nghe thông tin lỗ lãi qua các con số mà doanh nghiệp báo cáo lên. Do đó, tôi cho rằng, cơ quan quản lý đang mất đi chức năng quản lý của mình về giá”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

 

Theo TS Lê Đăng Doanh, có một lý do nhạy cảm là các cơ quan quản lý không muốn để các đại lý bán xăng biết trước, sẽ xuất hiện hành vi găm hàng, gây khó khăn, rối loạn cho thị trường. 

 

“Theo tôi, để làm tốt việc này, các cơ quan chức năng nhà nước cần phải phối hợp tốt hơn, không nên đưa ra những phát ngôn, công bố không nhất quán, tạo kỳ vọng ngược cho người dân rồi sau đó lại khiến họ ngỡ ngàng. Cách làm này cần phải thay đổi” – TS Lê Đăng Doanh góp ý.

 

Chuyên gia Tạ Văn Thắng từ Viện Kinh tế Tài chính thì nhận xét, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện, song những thị trường xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập xuất phát từ hai nguyên nhân chính là kinh doanh xăng dầu còn mang tính độc quyền cao và sự không minh bạch của thị trường.

 

Hiện nay, toàn thị trường có 17 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó Petrolimex với vai trò đầu tàu chiếm thị phần lớn, thêm vào đó lại có lợi thế xuất phát điểm ban đầu là hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới phân phối...nên các doanh nghiệp khác luôn phải “chạy theo” kể cả về giá bán lẫn định hướng kinh doanh. Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn không có bất cứ lựa chọn nào về sản phẩm, chất lượng cũng như giá cả...

 

Thêm vào đó, các đợt điều hành giá bán lẻ thời gian qua còn theo kiểu “tăng nhanh giảm chậm”, “tăng nhiều giảm ít”, thậm chí có lúc còn đi ngược hẳn với xu hướng giá thế giới.

 

Việc tính toán giá cơ sở cũng gặp phải vấn đề đó là phải theo tỷ giá liên ngân hàng, nhưng Petrolimex đã không áp dụng đúng, mà tính theo tỷ giá của Vietcombank làm chênh lệch mức giá lên là không hợp pháp, ông Thắng nhận định.

 

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, trong sửa đổi Nghị định 84, cần áp dụng  cách tính giá cơ sở 30 ngày giá bình quân thế giới không còn phù hợp. Tần suất điều chỉnh giá giữa 2 lần nên là 10 ngày để sát với thị trường hơn.

 

Cùng chung quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh đề nghị, cơ quan soạn thảo nên xem xét thời gian đủ ngắn để phản ánh được tình hình của thị trường thế giới. “30 ngày theo tôi là dài quá!”.

 

Bích Diệp - Nguyễn Hiền