1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dịch vụ vỉa hè "hốt bạc" mùa thi

(Dân trí) - Cứ mỗi đợt thi đại học cao đẳng cũng là dịp mà nhà nghỉ, quán café, trà đá, hàng ăn,... có cơ hội hốt bạc chặt chém từ cho thuê chỗ nghỉ, ăn uống và các dịch vụ đi kèm.

Cứ mỗi đợt thi đại học cao đẳng cũng là dịp mà nhà nghỉ, quán café, trà đá, hàng ăn,... có cơ hội hốt bạc chặt chém từ cho thuê chỗ nghỉ, ăn uống và các dịch vụ đi kèm.

Hàng bán rong bủa vây cổng trường thi

Đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần phụ huynh và thí sinh từ khắp các tỉnh thành ùn ùn đổ về thành phố tham dự kì thi ĐH, CĐ. Không bỏ qua cơ hội có một không hai, các hàng quán tại điểm thi mọc lên như nấm, nhiều quán tự động tăng giá với cớ... phục vụ nhiệt tình cho các sĩ tử mùa thi.

Ngay trong ngày đầu làm thủ tục dự thi đại học, xung quanh các cổng trường, hàng trà đá đua nhau mọc lên bất chấp các biển hiệu cấm gần đó. Từ 5 giờ sáng, gia đình chị Nguyễn Thị Minh đã tập kết hàng quán tại cổng trường Đại học công nghệ giao thông. Năm nào cũng thế, cứ dịp thi đại học, vợ chồng chị lại chuyển quán trà đá từ đầu đường Nguyễn Trãi vào đường Triều Khúc.

Chị Minh cho hay, để có vị trí bán tốt chị đã phải có quan hệ mới xin được và mất khỏan phí mua chỗ. Không chỉ vậy, việc cạnh tranh giữa các hàng quán cũng gay gắt, nếu không biết xoay sở sẽ dễ bị lực lượng an ninh trật tự nhắc nhở và xử phạt. Cổng trường đại học đóng cửa, cũng là lúc hai nồi xôi của chị đã bán kết, trong khi đó chồng chị liên tục tiếp nước, rót trà đá. Công việc bán trà đá bình thường không quá bận rộn, nhưng vào những ngày thi này, chị đã phải nghỉ làm xe ôm để ra phụ vợ. Theo chị Minh, kỳ thi đại học năm ngoái vợ chồng chị cũng thu nhập gần chục triệu đồng các khỏan từ bán xôi, trà đá, cho thuê ghế,…

Gửi xe tăng giá 10.000 đồng/xe

Gửi xe tăng giá 10.000 đồng/xe

Giá cho thuê chỗ và trà đá cũng đều tăng so với ngày thường, trung bình mỗi cốc trà đá khoảng 15.000 đồng bao gồm tiền cả thuê ghế 10.000 đồng/chiếc. Tại khu vực trường đại học Thủy lợi và Công đoàn, do có hai công viên trước cổng cũng là nơi tụ tập đông phụ huynh chờ đợi đón con. Đếm sơ sơ cũng có tới hơn hai chục quán trà đá lớn nhỏ, thậm chí có quán chỉ ngồi bằng tấm bìa cứng nhưng giá cũng không mềm chút nào. Không chỉ các quán mặt tiền đắt khách mà ngay cả các quán nhỏ trong ngõ cũng chặt chém khách hàng. 

Bác Lê Văn Quán, quê ở Thái Bình chia sẻ: “Con thi bố ngồi ngoài cũng không biết đi đâu, đành ngồi quán vỉa hè, cốc nước thì toàn đá, nhạt thếch mà giá cũng 5.000 đồng”. Tại điểm thi Đại học Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hải, một phụ huynh đang ngồi đợi con thi, bảo rằng mình đã phải bỏ ra 15.000 đồng để uống một cốc nước mía.

Trà đá, hàng rong mọc lên như nấm.

Trà đá, hàng rong mọc lên như nấm.

Ghế đá công viên muốn ngồi cũng phải thuê.

Ghế đá công viên muốn ngồi cũng phải thuê.

Sáng nay, cơn mua đầu giờ cũng là cơ hội kiếm tiền của nhiều cửa hàng, bà Tâm, chủ cửa hàng tạp hóa cổng trường cấp 2 Triều Khúc đã bán hết gần 40 chục cái áo mưa, với giá 10.000 đồng/chiếc, chưa kể các loại nước giải khát, trà xanh đóng chai và đồ ăn nhanh. Theo quan sát của phóng viên, hàng bán báo rong quanh các địa điểm thi cũng bán chạy.

Các dịch vụ hàng ăn cũng tăng giá, trung bình, giá mỗi, bát phở, cái bánh mì... tại khu vực này đắt thêm từ 5.000 – 10.000 đồng. Bên cạnh đó, khá đông đúc những người bán vé số, bói toán, ăn xin, tiếp thị, môi giới bán hàng đa cấp… quanh các khu vực thi. Rất nhiều cô gái trẻ, tiếp thị cho các gia đình về một trường trung cấp mới, với mục đích để... thêm sự lựa chọn cho các thí sinh nếu có thi trượt.

Thí sinh vào trung tâm thương mại chống nóng

Trong những ngày qua, tại các trung tâm thương mại, siêu thị... lúc nào cũng đông nghịt người. Tuy nhiên, mục đích chính của mọi người khi đến đây không phải là mua sắm, mà chủ yếu là người nhà và thí sinh lên thi ĐH vào đây hưởng cái mát toả ra từ máy điều hòa nhiệt độ và giết thời gian khi ở lại Hà Nội. 

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, nhiều phụ huynh và học sinh đã tranh thủ vào tá túc tại các trung tâm thương mại do có điều hòa và thí sinh không phải mất tiền. Chị Huệ, quê Quảng Ninh đưa con lên thi đại học, sau khi cho con ăn trưa xong, hai mẹ con chị đã vào Picomall trên đường Tây Sơn để nghỉ trưa. Chị cho hay, chị thuê trọ cách xa trường nên trưa nắng không biết đi đâu, nghe mấy bác phụ huynh rủ nhau vào đây, chị cũng đưa con vào. Chị phấn khởi:  "May mà có cái chỗ này mát mẻ không ngồi vật vờ ngoài đường mệt thật. Mình nhà quê lên cũng phải giữ ý tứ, ở đây tòan chỗ hàng hiệu, ban đầu vào cũng ngại." 

Tại trung tâm mua sắm Coop mart Hà Đông, nhiều phụ huynh và thí sinh thi tại các trường Kiến trúc, An ninh, Bưu chính cũng chọn đây là nơi ăn trưa và nghỉ ngơi. Bác Nguyễn Văn Tùng, quê ở Cao Bằng, cho biết, hai bố con đã phải dậy từ sớm để đi thi cho kịp giờ. Do thuê trọ ở xa nên buổi trưa không thể đưa con về nghỉ ngơi được, hai bố con đã tìm quanh trường xem có nhà nghỉ nào cho thuê theo giờ không, nhưng các phòng đã kín lịch. Một số khách sạn thì giá lại quá cao so với thu nhập, bác bàn cách đi ăn ở một quán trong siêu thị nào đó có điều hòa, sau đó sẽ ngồi tại chỗ để ôn bài cho buổi thi chiều. Bác Tùng cũng tính mấy ngày trên Hà Nội, tranh thủ ghé thăm các siêu thị để xem đồ nhưng vẫn ngại vì không có tiền để mua.

Nhà nghỉ nhà trọ đua nhau tăng giá

Dắt con lên thi đại học, ông Nguyễn Công Minh, quê ở Nam Định mỏi mắt tìm chỗ nghỉ cho con. Mặc dù đã lên sớm hơn ngày thi 2 ngày nhưng ông vẫn phải vất vả để tìm được một chỗ ưng ý, vừa gần trường mà điều kiện sinh hoạt đảm bảo. Ông từ chối thuê trong KTX của trường đại học Hà Nội vì lý do đông đúc không đảm bảo, ông bấm bụng chi mỗi ngày 500 nghìn đồng để thuê một phòng tại nhà nghỉ đối diện cổng trường. Như vậy, chỉ 5 ngày thi, riêng tiền chỗ ở của hai bố con cũng mất gần 3 triệu đồng.

Ông Minh cho hay, thuê ở nhà nghỉ cũng tiện vì vừa có điều hòa, điện nước sinh hoạt thỏai mái và ra về lúc nào cũng được. Chỗ nhà nghỉ hai bố con ông thuê cũng có hàng chục ông bố bà mẹ cho con lên thi đại học thuê ở. “May mà tôi lên sớm mới có giá đó, chứ muộn phải tiền triệu. Thôi thì lo cho con, chuyện thi cử là chuyện cả đời nên cũng phải cố”, ông Minh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tâm, cho con thi vào đại học Bách Khoa cũng mất 2 triệu đồng thuê phòng cho hai mẹ con trong 4 ngày thi đại học. Chị Tâm ngậm ngùi: “Phòng thuê ở trên tầng ba chưa đầy 10m2, đây là dịp nhiều người dân quanh trường tranh thủ chém những người quê như chúng tôi. Đắt cũng phải thuê chứ chúng tôi ở quê lên biết chỗ nào mà đòi hỏi.”

Chủ nhà tăng giá vô tội vạ.

Chủ nhà tăng giá vô tội vạ.

Dạo quanh cổng các trường đại học, biển cho thuê phòng được dán khắp nơi, không chỉ vậy, ngày đầu tiên nhập trường, nhiều chủ trọ còn tiếp thị quảng cáo ngay cổng trường để lôi kéo thí sinh và người nhà thuê trọ. Nhiều khu vực thuê trọ bình dân “cháy phòng", dù giá cao gấp 2-3 lần ngày thường, các nhà nghỉ cũng "nhân tiện" tăng giá phòng gấp đôi.

Giá thuê phòng cũng tùy vào điều kiện mỗi chủ trọ, thường phòng riêng, khép kín khoảng 500 nghìn đồng/ngày bao gồm điều hòa, điện nước, nếu ghép chung ngủ ở sàn thì giá rẻ hơn khoảng 100 – 150 nghìn đồng/ngày. Đối với những phòng như nhà nghỉ khách sạn bình dân, giá thuê phụ thuộc vào khoảng cách tới trường, thường mỗi phòng chủ nhà nghỉ cho thuê với giá 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/ngày. Những chỗ nghỉ hạng sang có giá gấp đôi, gấp ba.

Nhiều chủ nhà còn bắt chẹt khách bằng cách đưa ra nhiều điều khoản trong sinh hoạt cũng như có thể từ chối nếu khách hàng không vừa ý bởi nhu cầu thuê gấp nhiều lần so với chỗ ở, những chỗ ở này cũng gần địa điểm thi không sợ tắc đường cũng như gia đình có thể về nghỉ trong lúc thí sinh thi.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ nhà ở đường Tây Sơn cho hay, nhà ông cứ mỗi dịp thi đại học, gia đình đều chịu ở chật trội nhường bốn tầng lầu cho thí sinh thuê. Chỉ vài ngày, ông đã đút túi hơn gần 20 triệu đồng. Ông Minh cho hay, cho thí sinh thuê có lãi gấp vài lần cho sinh viên trọ, bởi thời gian thuê ngắn, chủ nhà có thể ép giá và không mất nhiều thủ tục như tạm trú tạm vắng hay tiền an ninh, vệ sinh…

Duy Khánh