1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

ĐHCĐ PV Power: Hội đồng quản trị thêm 2 thành viên, mục tiêu lợi nhuận giảm nhẹ

(Dân trí) - Năm 2019, PV Power đặt kế hoạch doanh thu gần 32.770 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2.275 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả năm 2018. Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, PV Power cũng bầu thêm 2 thành viên HĐQT, nâng tổng số lãnh đạo lên 7 người.

ĐHCĐ PV Power: Hội đồng quản trị thêm 2 thành viên, mục tiêu lợi nhuận giảm nhẹ - 1

Sáng 19/4, Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2019.

Chia sẻ tại đại hội, Ban lãnh đạo công ty nhận định, năm 2019 sẽ là giai đoạn khó khăn khi nguồn khí ngày càng suy giảm, Vinacomin lại gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn than, chi phí bảo dưỡng sửa chữa lớn, nhiều dự án cần nhu cầu vốn lớn…

Liên quan đến hoạt động của nhà máy Vũng Áng, ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power cho biết, một trong những vấn đề cần giải quyết là xử lý tro sỉ bởi số lượng nhiều nhưng vị trí lại không thuận lợi để tiêu thụ. 

“Đến thời điểm hiện tại, gánh nặng đó đã trút được khá lớn. Ngày hôm qua, công ty đã ký hợp đồng với một đối tác có năng lực bao tiêu trong thời gian dài. PV Power sẽ thử nghiệm và nếu như kỳ vọng sẽ ký hợp đồng dài hạn”, ông nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo PV Power cũng thừa nhận, về nguồn cung than cũng là vấn đề đau đầu của Tổng công ty trong thời gian qua. “Thời gian đầu, việc cung ứng than từ TKV khá thuận lợi nhưng gần đây nguôn than của TKV ngày càng đi xuống, mỏ nào cũng đến lúc hết, sản lượng không đủ cung ứng cho thị trường, trong đó có cả Vũng Áng. Chúng tôi đã làm việc với TKV, phía TKV cũng rất hợp tác, tìm mọi điều kiện để cung cấp than nhưng hiện tại không đủ. Theo kế hoạch, TKV cam kết cung cấp 2,4 triệu tấn nhưng nhu cầu 2,8 triệu tấn, thiếu đâu đó khoảng 400 nghìn tấn”, ông Linh cho biết.

Theo ông Linh, thời gian tới sẽ xin tháo gỡ khó khăn và bù đắp thiếu hụt than trong nước bằng việc nhập khẩu. Chất lượng than cung ứng hiện tại và nhập khẩu có thể khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng phát điện của các nhà máy. Tuy nhiên, lãnh đạo PV Power cho biết, chất lượng than sẽ vẫn nằm trong kiểm soát, Tổng công ty cũng sẽ cho thử nghiệm, đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động của nhà máy mới đưa vào sử dụng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về khoản chênh lệch tỷ giá mà EVN sẽ thanh toán cho PV Power, ông Linh chia sẻ hiện nay hai bên vẫn chưa có thống nhất.

“Đâu đó mỗi tháng mức chênh này khoảng 55 tỷ đồng và số liệu tổng hợp cả năm khoảng 800 tỷ đồng. Công ty yêu cầu EVN trả tiền tại ngày chốt tỷ giá tuy nhiên như vậy lại thiệt cho phía EVN. Do đó, 2 bên đang tìm cách giải quyết vướng mắc về mặt cơ chế. Năm 2019, công ty hy vọng có thể dứt điểm để tập trung cho hoạt động kinh doanh”, ông nói.

Trấn an cổ đông trước tình hình cổ phiếu giảm giá trong thời gian qua, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT PV Power nói: “Cổ phiếu POW liên tục đi xuống có ảnh hưởng từ thông tin chia cổ tức và Vũng Áng. Tuy nhiên, theo dõi thị trường cho thấy, thực tế xu thế thị trường xấu, thậm chí còn xuống nhanh hơn cổ phiếu POW”.

Về lộ trình thoái vốn của PVN tại PV Power, ông Kỳ cho hay, điều này hoàn toàn phụ thuộc tập đoàn, nhưng hiện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đi vào hoạt động nên việc thoái bao nhiêu, làm như thế nào sẽ không phải do Bộ Công Thương quyết định nữa mà phụ thuộc vào Uỷ ban.

“Tập đoàn cũng đã có báo cáo, khi nào có kế hoạch cụ thể chúng tôi sẽ thông báo với cổ đông. Nhưng hiện ở nhà máy điện Vũng Áng vẫn còn khoản vay bảo lãnh Chính phủ. Theo quy định, Tập đoàn phải nắm giữ ít nhất 65% vốn, cho đến 2015 trả hết nợ cho nước ngoài thì mới được thoái xuống dưới con số này. Phê duyệt của Thủ tướng cũng đặt lộ trình Tập đoàn thoái xuống dưới 51# sau năm 2025”, ông Kỳ cho hay.

Ông Kỳ chia sẻ với cổ đông về mong muốn được nhận cổ tức bằng tiền trong năm tới, và muốn các công ty con chia lợi nhuận nhiều hơn về công ty mẹ. Tuy nhiên, PV Power hiện này đầu tư nhiều dự án cần nguồn tiền để sản xuất kinh doanh, tương tự với các công ty con nên việc này cần thận trọng cân đối.

Năm 2018, doanh nghiệp này đạt 33.260 tỷ doanh thu, vượt 6% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất thu về 2.287 tỷ, hoàn thành 108% kế hoạch đề ra. Trong đó, công ty mẹ lãi 2.501 tỷ, vượt 31% chỉ tiêu cả năm. Dù vậy lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của PV Power chỉ đạt 214 tỷ đồng, không đủ thực hiện chia cổ tức với tỷ lệ 3%, theo nghị quyết ĐHCĐ năm trước.

Năm 2019, PV Power đặt kế hoạch doanh thu gần 32.770 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2.275 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả năm 2018. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 6%.

Tại đại hội, PV Power cũng trình đại hội việc miễn nhiệm ông Vũ Huy An, Thành viên HĐQT, là người đại diện vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/2. PVN cũng có văn bản đề cử người thay thế. 

PV Power nâng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 từ 5 lên 7 thành viên, gồm 1 Chủ tịch HĐQT hoạt động chuyên trách, 1 thành viên HĐQT là Tổng giám đốc, 5 thành viên HĐQT (trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập). Ngoài ra, số lượng thành viên Ban kiểm soát dự kiến nâng từ 3 lên 4 người. 2 nhân sự được bầu vào HĐQT là bà Vũ Thị Thu Nga và Nguyễn Hoàng Yến. Cá nhân được bầu vào Ban Kiểm soát là bà Hà Thị Minh Nguyệt.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, năm 2019, công ty cũng tiếp tục tái cấu trúc công ty mẹ và các đơn vị thành viên, thoái vốn theo phương án được duyệt, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu PV Power, làm tốt quan hệ với các nhà đầu tư, phấn đấu đưa cổ phiếu POW vào rổ VN30.

Phương Dung

ĐHCĐ PV Power: Hội đồng quản trị thêm 2 thành viên, mục tiêu lợi nhuận giảm nhẹ - 2