1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đến với lính truyền tải cao nguyên!

(Dân trí) - Vượt núi, băng rừng, trèo đèo, lội suối, bất kể ngày đêm, nắng gió hay mưa bão, những anh công nhân Truyền tải điện tạm gọi “người lính truyền tải điện” ở vùng đất cao nguyên Đắk Nông vẫn miệt mài kiểm tra từng vị trí cột, đoạn dây, từng gốc cây trong hành lang tuyến…, kịp thời phát hiện, sửa chữa các khiếm khuyết, đảm bảo cho dòng điện vận hành an toàn, ổn định, phục vụ nhân dân.

Tôi đến với Truyền tải điện Đắk Nông (Công ty Truyền tải điện 3) vào một ngày chủ nhật cuối tháng 12/2017; hôm ấy, thời tiết cao nguyên rất đẹp với cái nắng dịu nhẹ và cái se lạnh của buổi sáng sớm… Thấy tôi, anh Trần Hữu Hoạch - Đội Trưởng Đội Truyền tải điện Krông Nô - Truyền tải điện Đắk Nông hồ hởi mỉm cười: “Hôm nay bác may đấy, nếu vào ngày mưa, cháu sợ bác không đủ sức để theo chúng con băng rừng, vượt suối”…

Một ngày theo những người “lính truyền tải” đi vệ sinh, thay sứ, phát quang hành lang tuyến của đường dây 500 kV Pleiku - Đăk Nông, tôi mới thực sự thấm thía sự vất vả của những người thợ đường dây trên vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió này; trèo đèo, lội suối, đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến được vị trí cột cần thao tác…

Đến với lính truyền tải cao nguyên! - 1

Trên đường đi, chúng tôi cũng phải ứng phó với không ít ong rừng, muỗi, vắt; tôi vừa đi vừa sợ, còn các anh vẫn “bình chân như vại”. nhìn tận mắt tôi bỗng hiểu được vì sao, họ được gọi bằng cái tên thân thương “lính truyền tải”, bởi nếu không có đam mê, nhiệt huyết và yêu nghề, tôi nghĩ ít ai có thể vượt qua được muôn vàn khó khăn, nguy hiểm mà họ phải thường xuyên đối mặt trong công việc hàng ngày.

Vừa đi, anh Trần Hữu Hoạch tâm sự: “Truyền tải điện Đắk Nông quản lý địa hình rất là phức tạp, đồi núi chằng chịt, đường đi lại khó khăn, gian nan vô cùng; trời nắng ráo như hôm nay thì vô cùng thuận lợi, còn những hôm trời mưa thì vất vả khôn cùng, vừa trơn trượt, vừa đối mặt với nước lũ. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ cần lòng can đảm mà còn có cả một sức khỏe tốt để chống chọi với thiên nhiên”… Đến bây giờ, anh Trần Hữu Hoạch vẫn nhớ như in trận lũ kinh hoàng xảy ra vào tháng 10/2000 tại huyện huyện Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Lắk (nay là tỉnh Đắk Nông). Người dân sống lâu đời nơi đây nói rằng, chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ tàn khốc, kinh hoàng đến vậy; trận lũ đã nhấn chìm các xã Đắk Nang, Đức Xuyên, Quảng Phú trong một thời gian dài, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Trong trận lũ này, vị trí 2831 đường dây 500 kV Bắc Nam (mạch 1) cung đoạn Pleiku - Phú Lâm thuộc địa phận Đắk Nang đã bị lũ làm sạt lở chân móng. “Để xử lý sạt lở, Đội Truyền tải điện Krông Nô cùng các đơn vị được huy động. Anh em phải dựng lán trại ở trên rừng, việc đi lại hoàn toàn bằng xuồng, thuyền của dân, để phục vụ hậu cần cho công nhân xử lý sự cố, đơn vị phải mang dụng cụ xoong nồi, gạo, muối… đến hiện trường, còn thức ăn mặn thì chỉ có cá suối do dân đánh bắt… Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Truyền tải điện 3 khi đến kiểm tra chỉ đạo xử lý sự cố phải đi bằng trực thăng. “Rất may, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và sự cố gắng của CBCNV tham gia xử lý, sự cố đã từng bước được khắc phục, đường dây vẫn vận hành an toàn không bị gián đoạn, cung cấp điện ổn định” anh Hoạch chia sẻ.

Tôi cùng anh em tiếp tục băng qua các đồi núi dọc trên tuyến đường dây, nhìn anh em đang thao tác tận trên cột cao, tôi cảm nhận thêm được công việc mà người lính truyền tải đang làm… Tôi nhìn thấy 01 anh vừa từ trên cột cao hàng chục mét xuống, tranh thủ lại gần bắt chuyện và được biết anh tên là Nguyễn Thành Lâm, được anh tâm sự: “Thời gian đầu khi mới vào nghề em cũng lo lắng lắm. Nhưng rồi được các anh đi trước động viên, chỉ dẫn và quen dần với công việc, với những hiểm nguy mình phải đối mặt, tôi cảm thấy yêu và tự hào về công việc này hơn. Bởi công việc tuy thầm lặng, nhưng lại góp phần rất lớn trong việc đảm bảo điện phục vụ nhân dân...”. Đó là những lời tâm sự, mà tôi cảm nhận với công việc âm thầm, lặng lẽ, gian khổ, nhưng nó đã đem lại cho mỗi người lính truyền tải điện một nhận thức cao đẹp để góp phần xây dựng phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước…

Tạm biệt những người lính truyền tải trên đất mảnh đất cao nguyên khi một năm mới sắp bắt đầu. Tôi thầm mong, thời tiết luôn thuận hòa, những con đường lên thác, xuống ghềnh ở mảnh đất này cũng sẽ hiền hòa hơn…, để những người thợ đường dây nơi đây bớt đi phần nào vất vả. Chúc các anh luôn “chân cứng, đá mềm” để làm tốt nhiệm vụ giữ cho dòng điện luôn thông suốt./.

Dương Anh Minh