1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đến 2017, một nửa số ngân hàng Việt sẽ "biến mất"?

(Dân trí) - Theo chuyên gia World Bank, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu giảm số lượng ngân hàng còn 15-17 ngân hàng vào 2017 so với con số hiện tại là 34 ngân hàng. Tuy nhiên, World Bank khuyến nghị, quá trình này không nên vội vàng, mặc dù mục tiêu thu gọn số lượng ngân hàng là đúng đắn.


Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) - ảnh: Bích Diệp

Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) - ảnh: Bích Diệp

Trao đổi với phóng viên Dân Trí tại phiên họp báo diễn ra ngày 11/4, ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) nhận định, quá trình củng cố ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ, đặc biệt là với việc đã thực hiện một số thương vụ mua bán và sáp nhập.

Nhưng theo chuyên gia WB, ngành ngân hàng vẫn khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện tại là 34 ngân hàng.

Cụ thể, ông Sandeep cho rằng, mặc dù Việt Nam đã giảm được một số lượng lớn các ngân hàng từ 42 ngân hàng xuống còn 34 ngân hàng, nhưng để chuyển xuống còn 17 ngân hàng là không dễ. Dù vậy đây vẫn là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra.

Về phía WB, tổ chức này đánh giá, số lượng ngân hàng nhỏ trên thị trường hiện quá nhiều và do đó cần phải có sự hợp nhất để thu gọn. "Làm bất cứ hành động gì để giảm số lượng ngân hàng cũng là động thái tốt" - ông Sandeep nhìn nhận.

Tuy nhiên, chuyên gia WB cũng lưu ý rằng, Việt Nam không nên vội vàng trong vấn đề giảm số lượng ngân hàng. Theo đó, nếu chọn phương thức hợp nhất và sát nhập ngân hàng thì quy trình phải phù hợp. "Con số ngân hàng bao nhiêu còn phụ thuộc điều kiện cầu trên thị trường và nhiều nhân tốt khác. Quan trọng nhất vẫn là quy trình và cải cách trong khu vực ngân hàng" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia WB, nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã giảm xuống mức 3% tổng giá trị các món vay. Kết quả giảm nợ xấu này đạt được chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).

"Tuy các ngân hàng bị yêu cầu trích dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn" - phía WB lưu ý.

Bản báo cáo được WB công bố sáng nay cũng ghi nhận, tỉ giá hối đoái so với đồng USD đã được điều chỉnh đều đặn trong năm 2015 để ứng phó với biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách quản lý tỉ giá linh hoạt hơn, trong đó có biện pháp qui định tỉ giá tham chiếu hàng ngày.

Tuy vậy, theo WB, tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức 2 tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.

Bích Diệp

Đến 2017, một nửa số ngân hàng Việt sẽ "biến mất"? - 2