1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đề xuất lấp 1 phần hồ Thành Công xây nhà: Chủ đầu tư mới chỉ tính lợi cho mình?

(Dân trí) - Theo bình luận của nhiều chuyên gia, đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư rồi bù lại bằng cách đào thêm 1ha ở phía Bắc hồ hiện tại là chưa tính tới quy hoạch chung và chủ đầu tư mới chỉ tính phần lợi về phía mình.

Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư rồi bù lại bằng cách đào thêm 1ha ở phía Bắc hồ hiện tại được đánh giá là chưa tính tới quy hoạch chung.
Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư rồi bù lại bằng cách đào thêm 1ha ở phía Bắc hồ hiện tại được đánh giá là chưa tính tới quy hoạch chung.

Liên quan tới đề xuất lấp hồ Thành Công để xây nhà tái định cư, đơn vị đưa ra ý tưởng này là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) cho biết, đưa phương án dùng 1ha diện tích công viên và mặt hồ hiện hữu để xây nhà ở tái định cư cho người dân và đồng thời hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1ha mặt nước về phía Bắc.

VIHAJICO cho rằng, đề xuất trên để đảm bảo tính khả thi của đồ án nhằm tăng tiện ích cho khu dân cư mới, tạo được quỹ đất sạch để triển khai được ngay nhà tái định cư mà không phải di chuyển dân đến các khu tạm cư, tránh gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân. Mặt khác, người dân cũng có điều kiện giám sát và khẳng định chất lượng nơi ở mới của mình mà nhà đầu tư sẽ cung cấp.

Cho rằng diện tích mặt nước hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ, đồng thời lại khai thác cảnh quan hồ Thành Công cho khu vực được hiệu quả hơn, VIHAJICO còn cho rằng: "Sơ bộ đây là một cách làm mới và theo tính toán, chi phí từ việc nghiên cứu đề xuất cho đến triển khai xây dựng sẽ tăng rất nhiều so với cách làm truyền thống".

Cũng phải nói thêm rằng, ngay khi đề xuất này được đưa ra tại hội thảo khoa học diễn ra hồi tuần trước, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhận định, trong công tác cải tạo, quy hoạch chung cư cũ, để tìm được lời giải đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân không dễ chút nào.

“Có những đề xuất mà ngay cả thành phố cũng không dám quyết, cụ thể ở đây là lấp 1ha hồ Thành Công làm nhà cho dân, mặc dù chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác”, ông Hùng nói.

Đánh giá về đề xuất này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, ngoài tạo cảnh quan đô thị, hồ Thành Công là hồ điều hòa, thu gom nước khi trời mưa to và có tác dụng hạ nhiệt độ trong đô thị. Do đó, TS Liêm khẳng định, không được lấp hồ hiện có dù chỉ một phần và doanh nghiệp nói rằng sẽ đào hoàn trả ở một vị trí khác.

Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, giải pháp này chưa tính tới tổng thể quy hoạch và cũng không tuân theo quy hoạch chung, vì doanh nghiệp mới đưa ra phương án cân bằng diện tích mặt nước nhưng không tính tới mối liên kết với hạ tầng khung xung quanh ra sao.

"Doanh nghiệp mới tính phần lợi cho mình nhanh hơn, như vậy là không được”, ông Ngiêm nói.

Cũng theo TS Nghiêm, đề xuất này không thể được chấp nhận bởi hiện không gian xanh, không gian mặt nước của thành phố hiện đang ở mức thấp và đặt ra yêu cầu phải gia tăng thêm. Trong nội đô có 121 hồ nước, một số hồ trước đây đã bị lấp do thiếu quản lý, do đó, trong định hướng là phải phát triển thêm diện tích mặt nước. Điều này được thể hiện ở chỗ là 20 công viên mới mà thành phố đang đặt ra, trong đó có 4 công viên cấp quốc tế đều mở ra rất nhiều các diện tích mặt nước.

Thậm chí, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội còn cho rằng, hồ Thành Công là tài sản công và không thể tư nhân hóa được. Do đó, đề xuất này thể hiện doanh nghiệp không hiểu biết gì về pháp luật, về đất đai.

​GS Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, nếu chủ đầu tư bù được đủ diện tích mặt hồ thì cũng có thể xem xét, nhưng bù ở đâu, bù thế nào là vấn đề cần các nhà chuyên môn đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc này phải tính đến yếu tố quy hoạch.

Vấn đề này cũng tiếp tục nhận được nhiều bình luận phản ứng từ phía độc giả Dân trí. Trong đó, nhiều độc giả đặt câu hỏi, tại sao chủ đầu tư không tính tới phương án xây nhà tái định cư tại vị trí dự kiến đào mở rộng hồ mà phải tính tới biện pháp lấp rồi đào thêm.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp xây nhà tái định cư tại vị trí dự kiến đào thêm thì nhiều độc giả cũng cho rằng, câu chuyện quan trọng hơn là phải tính tới yếu tố quy hoạch. Hiện khu vực Thành Công đã quá tải trong khi hệ thống hạ tầng đường sá, hệ thống mương thoát nước vừa mới được xây lại khang trang thì không có lý do gì lại phải quy hoạch lại một lần nữa để “lãng phí tiền của dân của nước”.

"Quá vô lý không thể lấy quy hoạch công viên có chức năng điều hòa không khí để thay thế bằng xây dựng chung cư. Nếu Hà Nội đồng tình với quan điểm này sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Nghe như có mùi hương của lợi ích nhóm ở đây và lại tiếp tục thực hiện quy hoạch băm nát Hà Nội”, một độc giả bình luận.

Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, đây là một đề xuất cần xem xét kỹ vì lấy 1ha mặt hồ rồi trả lại 1ha khi có mặt bằng để mở rộng hồ về phía Bắc như vậy diện tích mặt nước hồ không thay đổi tuy nhiên sau này mật độ dân cư khu này tăng cao nên cần mở rộng hồ so với hiện tại.

Toàn cảnh hồ Thành Công trước đề xuất cho lấp để xây nhà

Phương Dung