1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đề xuất giảm ngay mức thuế doanh nghiệp xuống 22%

(Dân trí) - Đề xuất cho áp dụng trước mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ngay từ tháng 7 tới của Chính phủ nhận nhiều phiếu thuận từ UB Thường vụ QH. Mức giảm thuế cũng được mạnh dạn đề nghị là 22% thay cho mức 23% theo dự kiến trước đó.

Tại phiên họp chiều 16/4, Chính phủ trình xin ý kiến UB Thường vụ QH về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tờ trình của Chính phủ nêu vấn đề, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Thuế TNDN đang được xây dựng (có nội dung hạ mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%) dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2014. Tuy nhiên, trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2013, Chính phủ xin cho thực hiện sớm một số giải pháp chính sách ưu đãi thuế đã đề xuất.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho áp dụng ngay thuế suất thuế 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai lập luận, dù số lượng DN nhỏ và vừa rất lớn nhưng tỷ trọng đóng góp ngân sách về thuế lại nhỏ nên việc áp dụng mức thuế suất thấp cho đối tượng này vẫn đảm bảo không ảnh hưởng lớn tới số thu ngân sách.

Theo ước tính, trong điều kiện áp dụng thuế suất phổ thông 25% thì khi áp dụng giải pháp này, dự kiến số thu ngân sách năm 2013 giảm khoảng 1.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa  được áp dụng thuế suất thấp hơn so với các trường hợp thông thường sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Chính phủ cũng đề nghị áp dụng thuế suất chỉ 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. Mức giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 vì việc đẩy thời hạn thực hiện sớm nửa năm so với dự kiến cũng chỉ khoảng 37,5 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, thường trực UB Tài chính Ngân sách nêu quan điểm, việc hỗ trợ về thuế đối với đối với các đối tượng này trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, để cùng với các giải pháp khác góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh mức hạ thuế suất phổ thông từ 25% xuống ngay mức 22% (thấp hơn 1% so với dự thảo trình lần trước), đồng thời đề ra lộ trình cụ thể đến 1/1/2016 sẽ áp dụng mức thuế suất chung 20%.
 
Đề xuất giảm ngay mức thuế doanh nghiệp xuống 22%

Về giải pháp thuế Giá trị gia tăng (VAT), Chính phủ kiến nghị giảm 50% số thuế đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 và giảm 30% số thuế đối với nhà ở xã hội và nhà ở có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cũng trong khoảng thời gian này.

Nhận định việc triển khai thực hiện gói giải pháp này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm tải lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản nhưng cơ quan thẩm tra vẫn “lăn tăn”, đề xuất giảm đồng loạt 50% số thuế cho cả 2 nhóm dự án với lý lẽ, đối tượng có thu nhập chỉ mua được căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đều là những đối tượng chưa phải đã có thu nhập cao.

Ngoài ra, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển còn “lăn tăn” việc này có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2.

Theo tính toán, việc thực hiện những giải pháp về thuế nêu trên ước làm giảm thu  ngân sách năm 2013 khoảng 2.647 tỷ đồng. Ông Hiển đánh giá, quy mô của gói hỗ trợ như vậy chưa tương xứng với mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách. Theo đó, người đứng đầu cơ quan thẩm tra cảnh báo, mức độ lan tỏa, tác động của chính sách không lớn, khó có thể đạt được mục tiêu “hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế”.

Ngay cả với việc giảm thuế VAT, ông Hiển cũng cho rằng tác động của chính sách sẽ hạn chế và thiếu đồng bộ vì quy mô không lớn, thời gian thực hiện ngắn (trong 1 năm). Ông Hiển đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn vì nếu QH ra Nghị quyết về các chính sách này song song với việc sửa luật thuế TNDN, thuế VAT có thể dẫn tới việc vênh nhau vì chỉ sau 6 tháng, 2 luật thuế này cũng sẽ có hiệu lực. Ông Lý đề xuất hướng đưa các nội dung kiến nghị vào 2 luật này và “đẩy” nhanh quá trình làm luật theo thủ tục rút gọn, trình QH thông qua ngay trong kỳ họp vào tháng 5 tới.

Ông Lý cũng nghi ngại: “Thực sự mức thuế này có tháo gỡ được khó khăn cho DN không, hướng tháo gỡ có đúng trọng tâm những vấn đề DN cần không vì qua các diễn đàn, DN đều kêu gọi những biện pháp hỗ trợ khác như về khả năng tiếp cận vốn, xử lý nợ tồn đọng, tồn kho hàng hóa”.

Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai giải thích, khó xử lý vấn đề giảm thuế VAT trong luật vì chính sách này dự kiến chỉ áp dụng 1 năm, đưa vào luật sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của luật.

Ngoài ra, nếu đẩy thời điểm có hiệu lực của Thuế TNDN lên 6 tháng, trong đó có cả nội dung giảm ngay mức thuế suất phổ thông xuống 22%, bà Mai cảnh báo, nguồn thu năm 2013 sẽ giảm ngay thêm 9000 tỷ đồng nữa, sẽ tạo áp lực rất lớn lên cân đối ngân sách. Bà Mai bảo lưu quan điểm xây dựng Nghị quyết quy định.

“Chốt” lại các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân gạt bỏ đề xuất xây dựng Nghị quyết các giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho DN mà yêu cầu đưa vào nội dung 2 luật thuế với những mốc hiệu lực khác nhau cho mỗi nội dung.

P.Thảo