1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Để xảy ra nhiều tồn tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị nhắc “rút kinh nghiệm”

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư “rút kinh nghiệm” trong việc tổng hợp báo cáo, phân bổ nguồn vốn không theo thứ tự để xảy ra nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng nợ công.


Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều tồn tại trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quản lý, sử dụng nợ công tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều tồn tại trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quản lý, sử dụng nợ công tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2016. Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều tồn tại trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quản lý, sử dụng nợ công tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo báo cáo, cơ bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng danh mục tài trợ vốn ODA và tổ chức vận động, điều phối nguồn vốn ODA, trong năm đã chủ trì đàm phán, ký kết 4 điều ước quốc tế khung về vay ODA năm 2016 theo đúng sự phân công, uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại như tham gia với Bộ Tài chính trong việc xây dựng văn bản chậm so với yêu cầu, còn một số nhiệm vụ chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch tại Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ 2016 - 2020...

Cụ thể, theo đề án trên, đến năm 2016, toàn bộ chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi được cập nhật trên cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, thực tế đến ngày 21/12/2016, chỉ có 30/1.043 dự án được cập nhật thông tin và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến thời điểm kiểm toán (23/12/2017), có 1.060 dự án cập nhật nhưng hầu hết chưa đầy đủ chỉ tiêu theo quy định.

Đáng lưu ý, việc chấp hành các quy định của Luật quản lý nợ công và các quy định có liên quan vẫn để xảy ra nhiều tồn tại.

Qua kiểm toán tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn nước ngoài không đúng quy định, thông tin chưa chính xác, 2.473 tỷ đồng dẫn đến không được phân bổ vốn đầu năm.

Một số địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương vẫn xây dựng nhu cầu vốn đối ứng không đúng quy định (Bắc Ninh 295 tỷ đồng, Quảng Ngãi 14 tỷ đồng). Việc phê duyệt quyết định đầu tư dự án xây dựng nhu cầu vốn cho một số dự án vượt tổng mức đầu tư theo Quyết định phê duyệt dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được đánh giá là giao vốn không theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, không bố trí vốn để thu hồi hết vốn ứng trước của một số dự án đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2015 (Tuyên Quang 43 tỷ đồng, Quảng Ngãi 0,8 tỷ đồng) nhưng lại bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.

Qua kiểm tra chọn mẫu trên số báo cáo và các tài liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp cho thấy một số bộ, ngành, địa phương giải ngân vượt so với kế hoạch vốn được giao: 64 dự án giải ngân vượt kết hoạch vốn được giao hoặc không được giao kế hoạch vốn nhưng vẫn giải ngân, tổng số vốn vay đã giải ngân vượt 9.710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều dự án không giải ngân được hoặc tỷ lệ giải ngân thấp ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của dự án.

Phương Dung

Để xảy ra nhiều tồn tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị nhắc “rút kinh nghiệm” - 2